Trước dịch COVID-19, đây là một trong những ngày nghề hot được nhiều bạn trẻ theo đuổi, mang lại thu nhập cao.
Qua 4 đợt càn quét của đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề đã bị ảnh hưởng trực tiếp khiến thu nhập của không ít người lao động cũng giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, đây là những nhóm ngành được đánh giá rất hot trước khi COVID-19 ập đến, với mức thu nhập "khủng" mỗi năm.
Theo đánh giá của Cục Việc làm, dịch bệnh tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế, lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số ngành chịu tổn thất rất lớn như: Du lịch, vận tải hàng không, nhà hàng và cơ sở ăn uống, phòng gym và các cơ sở làm đẹp… khi có tới 90% các doanh nghiệp phải đóng cửa trước yêu cầu giãn cách xã hội .
Ngành vận tải hàng không: Phi công, tiếp viên hàng không
Trước dịch, phi công là một trong số những ngành nghề có thu nhập khủng nhất.
Tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới vấn đề tài chính của ngành vận tải hàng không, cụ thể là các hãng hàng không. Riêng Vietnam Airlines giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020, khiến cho khoảng 9.700 lao động (trong đó khoảng 70% lao động đi làm theo sản lượng, còn 30% đã được cho tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 6-12 tháng) không có công ăn việc làm vì sản lượng bay quá thấp…
Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh giảm mạnh thu nhập bình quân của phi công và tiếp viên, linh hoạt điều hành nguồn lực và các chính sách tiền lương nhân sự để người lao động và Tổng công ty cùng chia sẻ khó khăn trong từng giai đoạn diễn biến của dịch.
Vào đầu năm 2020 khi bùng dịch đợt 2, mức lương phi công chỉ còn 77 triệu đồng/tháng, tương đương giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng). Nhiều cán bộ lãnh đạo từ cấp Ban tự nguyện không hưởng lương, cán bộ cấp phòng hưởng lương tối thiểu vùng.
Hãng này đã tạm dừng toàn bộ lực lượng phi công nước ngoài giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, sử dụng nhân viên chi nhánh địa phương ở mức tối thiểu. Nhiều phi công người nước ngoài của các hãng bay tại Việt Nam đã về nước do thời gian dài không được bay hoặc nghỉ giãn cách. Tình trạng tiếp viên hàng không tranh thủ thời gian rảnh bán hàng online như mỹ phẩm, chạy Grab là không hiếm.
Ngành du lịch: Hướng dẫn viên du lịch, vận tải đường bộ, đường thủy
Du lịch cũng là một trong số những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đợi bùng dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%. Có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác. Cùng với việc đóng cửa các hoạt động, lao động của ngành nghề này cũng lao đao theo vì không có thu nhập.
Ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng khiến lao động lĩnh vực này lao đao.
Trước dịch, lao động trong ngành du lịch có mức thu nhập khá cao và ổn định. Lương quản lý tour và hướng dẫn viên có thâm niên khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, những người làm vận tải đường bộ, đường thủy đều có mức thu nhập trung bình từ 15-20 triệu đồng/tháng. Nhưng khi nghỉ dịch, họ chỉ được hưởng lương cơ bản do không có khách. Hầu hết các hãng lữ hành chỉ giữ chân nhân sự chủ chốt, các nhân viên hợp đồng đều bị cắt giảm.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động của các nước. Tuy nhiên, do lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới để kiếm thêm thu nhập dù không bằng trước đây.
Ngành dịch vụ F&B: Khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí
Có thể thấy, trước năm 2020, hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra sôi nổi với số lượng outlet F&B (outlet là thuật ngữ chỉ các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống như quầy bar, nhà hàng, quán cà phê) chạm mốc 540.000 đơn vị. Tuy nhiên, đại dịch ập đến khiến hàng loạt cửa hàng rơi vào trạng thái “ngủ đông" kéo dài hoặc tạm ngưng hoạt động kinh doanh vì những quy định giãn cách để chống dịch lây lan. Đặc biệt, khách sạn, nhà hàng, quán bar là những nơi có người lao động bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.
Ngành nghề F&B bị thiệt hại nghiêm trọng mùa dịch
Nếu như trước đó, du lịch phát triển mạnh mẽ nên các nhà hàng, khách sạn đều trả mức lương “khủng”, chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân lực từ các thành phố lớn như Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… với mức lương ở cấp quản lý cho các nhà hàng 5 sao có thể lên đến 30-50 triệu/tháng. Sau dịch, con số này về “mode” khi nhà hàng, khách sạn 5 sao cũng phải treo biển “thanh lý giá rẻ”. Nhiều nhà hàng cố gắng duy trì hoạt động bằng chuyển đổi công nghệ số nhưng không mang lại chất lượng phục vụ như trực tiếp ở nhà hàng.
Tại Việt Nam, công việc của những người hoạt động trong giới nightlife (hoạt động về đêm) như ca sĩ, DJ, rapper, vũ công… bị ảnh hưởng lớn. Trước dịch, DJ Trang Moon từng chia sẻ thu nhập của cô có những tháng cao điểm lên đến 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi dịch bệnh ập đến, cô chỉ có thể ở nhà không có thu nhập khiến cô tiêu dùng tiết kiệm hơn.
Quán bar đóng cửa, các DJ không còn việc làm trong mùa dịch
Ngành dịch vụ làm đẹp: Cơ sở tập gym, spa thẩm mỹ viện
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến chất lượng cuộc sống tăng cao, người dân chú ý đến các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như tập gym, spa… khiến những cơ sở này mọc lên như nấm và rất “ăn nên làm ra”, doanh thu tăng từng tháng. Tuy nhiên khi đại dịch ập đến bất ngờ, đây lại là những cơ sở “không thiết yếu” và bị buộc đóng cửa đầu tiên.
Trên thực tế, những cơ sở này đòi hỏi người làm chủ phải đầu tư nhiều và chi phí thường xuyên khá lớn để duy trì máy móc. Việc đột ngột bị đóng cửa, không còn nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng, bảo trì máy móc khiến các ông, bà chủ, có tiền trong tay bị đẩy xuống thành “con nợ” vì thua lỗ nhiều tháng liên tiếp mà không biết ngày nào mới được mở lại dịch vụ.
Dịch bệnh khiến các cơ sở tập gym đóng cửa.
Bên cạnh người làm chủ, lao động làm thuê tại các ngành nghề này trước đó cũng có thu nhập rất đáng kể. Tuy nhiên các spa đóng cửa, các kỹ thuật viên chính có nghiệp vụ thì tạm thời cho nghỉ việc có trợ cấp, các nhân viên khác nghỉ không lương, ai không kịp về quê thì được hỗ trợ tiền ăn. Trước đó thu nhập của nhân viên spa từ 10-15 triệu/tháng, các cấp quản lý có thể lên đến vài chục triệu nay đều đóng băng vì ngừng hoạt động. Đến chủ spa cũng phải chuyển hướng sang kinh doanh mỹ phẩm của mình dưới hình thức online.
Huấn luyện viên hay PT tại các trung tâm tập luyện thường có hai nguồn thu nhập: Từ trung tâm và từ khách hàng cá nhân. Thu nhập trung bình có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng nếu là PT tại các trung tâm chất lượng. Tại các phòng gym đóng cửa, các PT buộc phải nghỉ việc không lương, không trợ cấp vì không có khách hàng. Một số ít PT có thể đến nhà của khách hàng để hỗ trợ luyện tập nhưng thu nhập chỉ bằng 30% trước dịch. Một số PT chuyển sang dạy online hoặc chia sẻ trên MXH để duy trì hoạt động luyện tập và danh tiếng.