Việc tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà rất dễ xảy ra biến chứng như: xuất huyết nội tạng, chảy máu khó cầm, sốc …những biến chứng này rất hay xảy ra ở những người có sẵn bệnh mãn tính.
Bệnh không chừa một ai
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội với (29/30) quận, huyện có người mắc bệnh và xuất hiện 51 ổ dịch trên toàn thành phố, ngày 11/9, phóng viên đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nơi điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết lớn nhất trên địa bàn phố để ghi nhận tình hình.
Tại khoa Các Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đến 1 nửa số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện là mắc bệnh sốt xuất huyết. Điều đáng nói là nhóm đối tượng mắc sốt xuất huyết rất đa dạng từ trẻ nhỏ, thanh niên cho đến người già đều mắc căn bệnh này.
Thậm chí trong một gia đình có 3 người đều mắc bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra ở những mức độ khác nhau. Một điều đáng lưu ý nữa là đa số các bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng bệnh đã nặng, đã tự điều trị ở nhà và thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn H. (Thanh Oai – Hà Nội) cho biết: “Tôi đã vào viện được 3 ngày, hiện nay tôi vẫn đang phải điều trị tích cực, các chấm đỏ trên người ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Các bác sĩ nói, tôi còn phải điều trị ít nhất hết tuần này”.
Khoa Các Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đến một nửa số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện là mắc bệnh sốt xuất huyết.
Nói về nguyên nhân nhập viện điều trị, anh H. chia sẻ: “Lúc đầu khi có triệu chứng sốt, thấy chảy máu chân răng và người mệt mỏi, tôi cứ nghĩ thay đổi thời tiết, sáng đánh răng mạnh nên chảy máu, ai nghĩ là mắc bệnh sốt xuất huyết đâu. Khoảng nửa ngày sau, khi sốt cao vợ tôi đã đi mua kháng sinh về uống, nhưng không khỏi nên tiếp tục mua liều cao hơn.
Gần 3 ngày sốt liên tục, uống thuốc không khỏi, trên người thấy xuất hiện chấm và những ban đỏ, lúc này tôi mới ra trạm y tế khám và được các bác sĩ cho biết mắc bệnh sốt xuất huyết. Khi tôi kể triệu chứng và đã điều trị kháng sinh, các bác sĩ nói bệnh đã nặng và phải chuyển lên tuyến trên”.
Cùng chung phòng bệnh anh H. là chị Hoàng Thị L. (47 tuổi, Chương Mỹ - Hà Nội) cũng đang phải điều trị tích cực vì đến viện muộn và tự điều trị ở nhà. Chị H. cho biết: “Chỗ tôi nhiều người mắc lắm, nhưng bị nặng phải đi viện như tôi thì chỉ có vài trường hợp”.
Theo chị H. khi mắc bệnh phải điều trị ở viện, tại gia đình con trai và chồng cũng đang có biểu hiện sốt tương tự như chị lúc trước. Tuy nhiên, do được bác sĩ hướng dẫn nên chị đã dặn người nhà phải uống oresol, không được mua thuốc tự điều trị, hiện đã đỡ được vài phần.
Qua phỏng vấn nhanh của phóng viên với các bệnh nhân đang điều trị ở đây thì được biết, đa số bệnh nhân là người có thu nhập thấp và trung bình ở các huyện ngoại thành vào bệnh viện điều trị. Điều đáng nói nhất là các gia đình này không bao giờ phun thuốc diệt muỗi ở nhà và khu vực xung quanh nhà, lý do được các bệnh nhân đưa ra là chi phí quá tốn kém cho một lần phun.
Nhập viện nhiều là do nhầm lẫn
Trước tình trạng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng trong những ngày đầu tháng 9, Th.BS Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó khoa Các bệnh Nhiệt đới (BV Đa khoa Hà Đông) cho biết: “Nhiều bệnh nhân do không hiểu biết, nhầm tưởng sốt xuất huyết với các bệnh thông thường như: cảm cúm, viêm họng hoặc do cơ thể có sẵn các bệnh mãn tính từ trước nên chủ quan điều trị ở nhà, hoặc đến cơ sở y tế không chuyên khoa điều trị, chỉ khi bệnh đã quá nặng, có biến chứng thì mới đến bệnh viện”.
Theo BS Bình, tính từ đầu tháng 9 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị tại khoa chiếm hơn 60% trong tổng số bệnh nhân nhập viện. Trong đó có 32 trường hợp đã được điều trị ra viện, còn lại gần 20 bệnh nhân vẫn đang được điều trị trong khoa, trong đó có những trường hợp có biến chứng nặng.
“Những bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự chữa sốt xuất huyết ở nhà, sau đó mới đến bệnh viện gây rất nhiều khó khăn khi điều trị. Ví dụ như những trường hợp: xuất huyết nội tạng, chảy máu, mất máu không cầm được hoặc bị sốc do bệnh đã ở giai đoạn nặng mà không phát hiện kịp thời”, BS Bình nói.
Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, BS Bình chỉ dẫn, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài ra, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… thì nên đến các bệnh viện để khám và chẩn đoán.
“Khi có các triệu chứng trên, đặc biệt không được uống các loại thuốc hạ sốt có thể gây giảm tiều cầu như Aspirin, mà nên uống các dung dịch điện giải như Oresol ngay lập tực và nên uống nhiều loại dung dịch này để phòng nguy cơ choáng do sốt xuất huyết.
Những người có bệnh mãn tính như tim mạch, hen, phế quản, các bệnh về dạ dày, xơ gan…cần phải đến các bệnh viện để xét nghiệm, chẩn đoán tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, vì đây là đối tượng có nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng”, Ths Bình nói.
Cuối cùng để giúp người dân phòng bệnh sốt xuất huyết, BS Bình khuyến cáo: “Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh, đặc điểm của loại muỗi này là hay đốt vào ban ngày, nên bệnh nhân khi ngủ cần phải mắc màn, kể cả là ban ngày.
Ngoài ra, không để các vật dụng đựng nước như: lọ hoa, ang cây cảnh, các mảnh chai lọ vỡ có tích nước lâu ngày vì đây sẽ là môi trường lý tưởng cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Cuối cùng, người dân hãy nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách khơi thông cống rãnh, phun thuốc muỗi tại hộ gia đình và khu dân cư theo định kỳ”.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi đã phát triển thành dịch, việc điều trị là vô cùng khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Thể bệnh nhẹ: (thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong). - Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.- Có thể có nổi mẩn, phát ban. Thể bệnh nặng: (thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%) Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết - Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy: Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. + Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. + Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy. + Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. + Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. - Phòng chống muỗi đốt: + Mặc quần áo dài tay. + Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. + Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi.. + Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. + Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. - Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. |