Bị cáo Phạm Anh Tuấn và vợ muốn tòa phúc thẩm xem xét lại căn nhà đang được kê biên, bởi, đây là tài sản chung của hai vợ chồng.
Bao nhiêu năm mới làm ra 25 tỷ đồng?
Phiên làm việc ngày thứ năm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm có khá nhiều điểm mới. Phần xét hỏi Trần Thanh Thanh (Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank) khiến nhiều người bất ngờ.
Thanh được Như đề nghị giải quyết cho Phạm Công Hoàng là khách hàng của Như vay 25 tỷ đồng và thế chấp bằng thẻ tiết kiệm trị giá 26 tỷ của chính Hoàng gửi tại Vietinbank. Như nói với Thanh, hiện ông Hoàng đi vắng và sẽ về ký sau để bổ sung hồ sơ. Thanh đã chỉ đạo việc lập 6 hồ sơ tín dụng cho vay 25 tỷ đồng và giải ngân theo yêu cầu của Như để Như chiếm đoạt. Sau đó, đưa hồ sơ cho Như để Như bổ sung chữ ký của ông Hoàng.
Huyền Như cùng đồng phạm được đưa vào tòa
Do Thanh chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay, không có mặt người có tài sản bảo lãnh nên Thanh đã không phát hiện 5 thẻ tiết kiệm trị giá 26 tỷ đồng mang tên Phạm Công Hoàng – Nhân viên ACB gửi tại Vietinbank – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không nhận thẻ tiết kiệm đã bị Như chiếm đoạt dùng thế chấp vay tiền tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ, không phát hiện chữ ký của ông Hoàng trên 6 hợp đồng tín dụng vay 25 tỷ là chữ ký giả, do Như ký. Hành vi trên của Thanh đã dẫn đến hậu quả là Như đã chiếm đoạt của khách hàng 25 tỷ đồng.
Đứng trước vành móng ngựa, Thanh xin tòa xem xét lại hoàn cảnh phạm tội về hành vi nguy hiểm của hành vi, hậu quả mà bị cáo gây ra… “Theo nhận thức của bị cáo thì mức độ phạm tội của mình không nghiêm trọng”.
Trước lời nói của Thanh, vị chủ tọa bất ngờ hỏi: “Hành vi của bị cáo liên quan đến 25 tỷ đồng bị Như chiếm đoạt mà bị cáo bảo không nghiêm trọng. Số tiền này nhỏ lắm sao? Theo bị cáo, một người làm việc bao nhiêu năm thì có thể làm ra 25 tỷ đồng mà bị cáo bảo là không nghiêm trọng?”.
Đến lúc này, bị cáo Thanh cúi gầm mặt nói khẽ: “Dạ nghiêm trọng”. Im lặng một lúc, Thanh nói tiếp: “Nhưng, bị cáo vẫn xin được giảm nhẹ hình phạt.
Đáng chú ý hơn, vị luật sư bào chữa cho Thanh thẩm vấn xoáy sâu vào hành vi bị cáo này. Đối với các luật sư bào chữa cho thân chủ thường hỏi những câu có lợi cho người mình bảo vệ. Thế nhưng, vị luật sư này lại hỏi những câu hỏi liên quan đến vụ việc một cách rõ ràng.
Khi kết thúc phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi nhắc nhở vị luật sư này: “Tôi không hiểu luật sư hỏi bị cáo với mục đích gì. Nhưng, qua phần thẩm vấn của luật sư, mọi người lại càng có thể khẳng định, bị cáo Thanh bị tuyên phạt ở mức sơ thẩm là chính xác”.
Lại có người xin nhà
Cũng trong ngày xử thứ năm, HĐXX đã thẩm vấn bị cáo Phạm Anh Tuấn (Tổng giám đốc công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương). Anh Tuấn ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để gửi vào ngân hàng kiếm tiền lời cho công ty và thu lợi bất chính cá nhân. Chỉ có một hợp đồng ủy thác đầu tư vốn mà Anh Tuấn ký với Vietinbank được tất toán cả vốn và lãi. Còn lại 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn bị cáo ký với Vietinbank, bị như làm giả, ký tên giả và đóng dấu giả và chiếm đoạt 80 tỷ đồng.
Tại tòa, Anh Tuấn cho biết nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo nhận thấy mức án tòa sơ thẩm tuyên là khá cao nên xin được giảm án. Ngoài ra, bị cáo này nhấn mạnh xin được xem xét trách nhiệm dân sự với ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng. “Trong hồ sơ, bị cáo được cho là hưởng lợi 72 tỷ đồng. Thật ra, số tiền này là bị cáo vay mượn để làm ăn. Bị cáo cũng xin được xem xét”, người này nói.
Huyền Như cho biết đã chuyển tiền chênh lệch cho Anh Tuấn
Căn nhà Anh Tuấn đề cập đến, tọa lạc tại quận 1, đứng tên Tuấn và vợ. Hiện tại, căn nhà này đang được kê biên. Vợ bị cáo này cũng có đơn yêu cầu xem xét lại căn nhà, bởi là tài sản của cả hai vợ chồng. Riêng về số tiền 72 tỷ đồng, HĐXX yêu cầu bị cáo cung cấp những tài liệu xác thực số tiền này là vay mượn. Tuy nhiên, bị cáo cho biết, hoàn toàn không có bất kì giấy tờ nào xác minh.
Tại phiên tòa, bị cáo Như khai nhận, đã trả lãi suất ngoài hợp đồng cho Anh Tuấn từ 1% đến 4%. Cả hai liên lạc qua điện thoại. Như đã chuyển số tiền chênh lệch ngoài howpjd dồng cho bị cáo này thông qua người môi giới.
Hai bị cáo kêu oan
Trong khi đó, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ) thừa nhận mình là người kiểm soát tính xác thực của tài sản đảm bảo, nhập kho tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, khi không có chủ tài sản đảm bảo, Quyên vẫn duyệt hồ sơ và cho Như bổ sung chữ kí sau.
Tại phiên tòa, Quyên cho rằng, chỉ làm sai quy trình cho vay theo quy định của Vietinbank. Quyên bảo, cấp sơ thẩm xét xử mình tội Vi phạm quy định về cho vay là không đúng. Đo đó, bị cáo kêu oan.
Viện kiểm sát không kìm được trước những lời bao biện của Quyên. Viện kiểm sát phân tích: “Tất cả mọi thứ đều do bị cáo Như giả hết. Bị cáo bỏ qua thủ tục để cho Như bổ sung chữ ký sau. Đây là một kẻ hở chết người. Nếu bị cáo không bỏ qua chữ ký này thì bị cáo Như có lấy được tiền không? Vậy, bị cáo nghĩ, Như chiếm đoạt số tiền hơn 132 tỷ đồng là mình không can hệ gì? Không sai sao?”. Lúc này, bị cáo Quyên xin được xem xét.
Bị cáo Như có vẻ căng thẳng trong phiên tòa
Bên cạnh đó, bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) cũng kêu oan. Tiên cho rằng, mình không phạm tội mà đã bị lừa.
Tiên xác nhận ký giải ngân 6 hồ sơ vay. Tuy nhiên, khi giải ngân thì đã tất cả các hồ sơ đều đã có chữ ký của người vay, người bảo lãnh. Việc Như giả chữ kí bị cáo không hề biết. Ngoài ra, theo ý bị cáo thì mình không cần biết người vay và người bảo lãnh có mặt hay không. “Cả sáu hồ sơ bị cáo giải ngân đều hợp lệ nên bị cáo không vi phạm trong việc cho vay”, Tiên nói.
Ngoài ra, Tiên cũng cho rằng, bản cung tại cơ quan điều tra là cơ quan điều tra tự làm, bắt mình tự ký vào. Bản cung này không thể hiện đúng lời khai của bị cáo cũng như sự thật của vụ án.
Tuy nhiên, khi đối chất tại tòa, các bị cáo khác cho hay, khi Tiên giải ngân, có hồ sơ có chữ ký và có hồ sơ chưa có chữ ký của người vay, người bảo lãnh. Sau khi giải ngân xong, các hồ sơ này mới được đưa lại cho Như và hoàn tất chữ ký.