Đêm ngủ vỉa hè, ngày ngủ giữa chợ Long Biên, mỗi khi con đói Nga xin từng ít nước nóng để pha sữa cho con.
Clip Nga dỗ dành con và cho con uống sữa ở chợ Long Biên.
Giấc ngủ trên nền xi măng giữa chợ
Những ngày vừa qua, thông tin về người mẹ để con ngủ vỉa hè, đi nhặt rác kiếm tiền mua sữa cho con đang được dư luận hết sức quan tâm. Cháu bé ngủ ở vỉa hè là con gái của người mẹ tên Nga (SN 1983, quê Hà Tĩnh), mới hơn 1 tháng tuổi và chưa đươc đặt tên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 17h30’ hàng ngày Nga sẽ đẩy con đến khu vực chợ Đồng Xuân để xin tiền người qua lại. Sau đó, khoảng gần 0h, Nga sẽ đưa con về ngã ba phố Nguyễn Thiệp giao phố Hàng Khoai cho con nằm ngủ. Sáng hôm sau, khi các cửa hàng ở phố Hàng Khoai mở cửa, Nga lại đẩy con về chợ Long Biên và ngủ tại đây.
Đêm đêm Nga thường cho con ngủ ở vỉa hè ở gần chợ Đồng Xuân.
Nga sinh mổ tại BV Phụ sản Trung ương, nhưng do bị mất sữa nên kể từ khi chào đời đến giờ, cháu bé được nuôi bằng sữa ngoài. “Mọi người cho sữa gì thì Nga cho con ăn sữa đó, chứ không có cố định loại nào. Trộm vía, cháu bé hơn 1 tháng tuổi mà ăn tốt lắm, cứ uống sữa xong lại lăn ra ngủ”, một người phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với Nga chia sẻ.
Có mặt tại chợ Long Biên, sau nhiều vòng tìm kiếm, chúng tôi đã tìm được nơi hai mẹ con Nga đang nằm ngủ. Dù trời trở lạnh nhưng hai mẹ con chỉ dùng một tấm bạt nhỏ trải trên nền xi măng để ngủ. Nga đắp cho con tấm chăn mỏng để ngăn cái lạnh đầu mùa, còn bản thân mình chỉ dùng một chiếc áo dài tay để khoác bên ngoài.
Ban ngày, Nga và con ngủ giữa chợ Long Biên với tấm bạt mỏng trải xuống đất làm giường.
Nơi hai mẹ con Nga nằm ngủ gần ngay cạnh một quán nước giữa chợ Long Biên, dù người qua lại tấp nập, với đủ những tiếng ồn ào nhưng hai mẹ con vẫn ngủ ngon lành.
Bên cạnh “giường ngủ” là toàn bộ tài sản mà hàng ngày hai mẹ con Nga mang theo. Một thùng xốp đựng đủ các đồ bên trong như quần áo, chăn gối và bỉm sữa. Có lẽ tài sản giá trị nhất của hai mẹ con là chiếc xe đẩy vừa được một mạnh thường quân mua cho cách đây vài ngày.
Nga đắp chiếc chăn mỏng cho con, còn bản thân chỉ khoác chiếc áo mỏng bên ngoài.
Người dân nhận xét người mẹ còn nhiều tật xấu nhưng rất yêu con
Giấc ngủ trưa của hai mẹ con kéo dài hơn 2 tiếng. Khi thức dậy, Nga vội nhặt bình sữa đang nằm lăn lóc dưới nền xi măng để pha sữa cho con. Không có nước sôi, người mẹ với bình xin nước của cụ bà bên cạnh để kịp bữa chiều cho đứa trẻ. “Ngày nào cũng thế, mỗi khi con đói gặp đâu nó xin nước pha sữa cho con ở đó”, bà bán nước nói.
Toàn bộ tài sản của hai mẹ con Nga, trong đó giá trị nhất là chiếc xe đẩy.
Một tay bế con, một tay lắc nhẹ bình sữa cho nhanh nguội, ánh mắt Nga nhìn con âu yếm. Nghe tiếng ọ ọe đòi ăn của con, Nga dốc ngược bình sữa vào miệng mình để thử, sau đó mới đưa đầu bình sữa vào miệng con gái cho ăn.
Không à ơi dỗ dành, Nga chỉ khẽ rung rung đôi chân, còn đứa con bé bỏng vừa bú sữa vừa lim rim đôi mắt hưởng thụ. Chỉ vài phút, bé gái đã bú hết nửa bình sữa và chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Con gái Nga uống sữa và ngủ lúc nào không biết.
Đặt con xuống tấm bạt mỏng, Nga rón rén đắp chăn, chụp màn cho con rồi ra xin một điếu thuốc ngồi hút. Hút xong điếu thuốc, Nga xếp dọn hành lý để khi con ngủ dậy, hai mẹ con “hành quân” sang chợ Đồng Xuân.
Trong suốt khoảng thời gian tiếp xúc với Nga, dù chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng Nga chỉ lắc đầu và không nói bất kể câu gì. Lý giải với chúng tôi, cụ bà bán nước bên cạnh cho biết, Nga luôn sợ và đề phòng người lạ mặt, bởi trước đó hai mẹ con bị đưa sang trung tâm bảo trợ xã hội 1 lần.
Nga bế và nhìn con âu yếm, nhưng nhất quyết không nói chuyện với người lạ.
“Đợt mới sinh con được 10 ngày, Nga bế con ra Bờ Hồ xin tiền thì bị đưa về trung tâm bảo trợ, từ đó nó sợ bị người ta bắt lắm”, cụ bà bán nước cho hay.
Theo thông tin cụ bà này cung cấp, thực ra Nga cũng có một số tật xấu đáng chê trách. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này thì cháu bé thật sự đáng thương. “Tôi hàng ngày tiếp xúc với Nga, nhưng chưa bao giờ Nga nói về địa chỉ chính xác quê quán, chỉ biết ở Hà Tĩnh.
Cụ bà bán nước nơi Nga và con thường đến ngủ rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Nga.
Tôi cho rằng, biện pháp tốt nhất hiện giờ là liên lạc với gia đình, rồi trao đứa bé cho gia đình Nga chăm sóc. Chỉ như vậy sức khỏe, tương lai cháu mới được đảm bảo”, cụ bà này cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phường Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, đã nhận được thông tin về trường hợp hai mẹ ngủ vỉa hè. Đồng thời sẽ cử cán bộ đi xác minh thông tin để có hướng giải quyết triệt để nhất.