Nếu không để ý những dấu hiệu này, người tiêu dùng có thể mua phải tôm bơm tạp chất, vừa tốn tiền lại hại sức khỏe.
Tôm là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất quen thuộc trong bữa cơm của các gia đình Việt. Tùy thuộc vào mục đích nấu nướng và nguồn cung cấp thực phẩm, bà nội trợ sẽ lựa chọn tôm tươi, tôm đông lạnh hay tôm khô... Tuy nhiên, việc chọn và mua tôm tươi vẫn được ưu tiên hơn cả. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách chọn tôm thế nào cho ngon.
Chọn tôm ngon không phải việc đơn giản
Mỗi loại tôm sẽ có những lưu ý riêng về cách chọn, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là những con còn sống, nhảy mạnh hoặc đang bơi; chân, càng không bị gãy, đầu không bị bong, vỏ tôm sáng bóng, thớ thịt trong và gắn chặt với vỏ. Dưới đây là một số lưu ý khi mua tôm nói chung, nếu thấy những dấu hiệu này, bạn không nên mua vì có thể đó là tôm bị bơm tạp chất hoặc tôm không còn tươi ngon nữa:
1, Thân uốn cong, chảy nhớt
Những con tôm còn tươi sẽ có dáng duỗi thẳng hoặc hơi cong, còn những con hỏng, đã bị ươn sẽ uốn cong thành hình tròn mà không thể duỗi thẳng. Những con tôm này thường cũng đã bị chảy nhớt, không nên mua.
Muốn biết tôm còn tươi hay ươn hãy đưa ra ánh sáng, kéo dài con tôm và quan sát độ rộng giữa các khớp trên lớp vỏ và thịt tôm.
Nếu các khớp này giãn rộng, lỏng lẻo nghĩa là tôm đã bị để quá lâu. Còn nếu khớp tôm hẹp, kết cấu chắc chắn nghĩa là tôm còn tươi.
Để kiểm tra, bạn nên dùng ngón tay ấn lên phần vỏ và di chuyển ngón tay vài lần từ trước ra sau, rồi ngược lại, từ sau ra trước. Nếu có cảm giác như có sạn dưới các ngón tay hoặc nhận thấy tôm bị nhớt, dính vào nhau thì không nên mua chúng.
2, Đầu tôm đổi màu
Tôm tươi thường trong suốt, cứng cáp, mình săn chắc, đầu và chân tôm chắc. Nếu chân và đầu tôm lỏng lẻo hoặc rời hẳn ra khỏi mình tôm thì không nên mua.
Ngoài ra nếu phần đầu tôm có màu đen, nghĩa là tôm đã để lâu, không tươi, thậm chí còn bị biến chất.
Nhiều tiểu thương vì lợi bất chính mà bơm thêm tạp chất vào tôm
3, Phình to bất thường
Tôm bị nhiễm hóa chất hoặc tạp chất thường có 2 dạng, bị bơm tạp chất để tăng trọng hoặc ngâm urê để bảo quản được lâu.
Để tăng trọng lượng, người ta thường bơm nước muối, thậm chí là bơm glixerin – chất từ thủy phân chất béo, agar (bột rau câu) và một số hóa chất, tôm sẽ phình to, bóng mượt, nặng cân hơn.
4, Đuôi tôm tòe ra
Nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.
Tôm bị bơm tạp chất, đuôi thường tòe ra. Thân tôm căng mập bất thường, đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
5, Chân tôm chuyển sang màu đen
Cần quan sát xem phần chân của tôm còn gắn chặt vào thân hay không, thịt tôm phải săn chắc. Ngoài ra, bạn không nên chọn mua những con tôm có chân đã bị chuyển sang màu đen vì đây chính là dấu hiệu cho thấy chúng không còn tươi.
Ngoài 5 lưu ý trên, bạn cũng nên mua tôm tại các cơ sở uy tín, hàng quen bởi đây là cách mà bạn dù không có kinh nghiệm lựa chọn tôm vẫn có thể yên tâm về chất lượng.