Với diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang, Tết vẫn còn nguyên với đầy đủ những giá trị từ bao đời. Có chăng là những biến chuyển trong lối sống của các gia đình Việt, khi sự phát triển của văn hóa nước nhà vẫn chưa theo nhịp điệu chung của thế giới.
Dường như cái Tết cổ truyền trong những năm gần đây đã dần phai nhạt, đặt biệt là trong lòng người trẻ. Chúng ta đang đổ lỗi cho đời sống hiện đại, cho sự lai căng văn hóa ngoại quốc và cho cả nền giáo dục chưa sâu sát. Nhưng với Diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang, Tết vẫn còn nguyên với đầy đủ những giá trị từ bao đời. Có chăng là những biến chuyển trong lối sống của các gia đình Việt, khi sự phát triển của văn hóa nước nhà vẫn chưa theo nhịp điệu chung của thế giới.
Tôi nhớ xuân xưa
Việt Nam xưa nay là một quốc gia được tiếp cận với nhiều luồng văn hóa khác nhau. Đa dạng trong giao thoa văn hóa mở ra con đường du nhập nhiều lễ hội từ bên ngoài. Diễn giả Hồ Nhựt Quang xem đó vừa là một tín hiệu vui, nhưng cũng vừa là một nỗi lo lắng.
Anh cho rằng các lễ hội như Tết dương lịch, Giáng sinh, Halloween … du nhập từ phương Tây mang đến nhiều nét độc đáo về tinh thần, tạo nên bầu không khí phấn khởi, vui tươi và hoan hỷ. Tuy nhiên, chúng ta, đặc biệt là người trẻ, nếu không cẩn thận hay quá lạm dụng vào các lễ hội này dễ dẫn tới sự chệch chuẩn và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều mà diễn giả Hồ Nhựt Quang lo lắng vốn không thừa. Trong nhiều năm nay tại các thành phố lớn ở Việt Nam, để thuận lợi trong việc kinh doanh hay giải trí, chúng ta lạm dụng gần như triệt để các lễ hội của các nước bạn. Sau đó lại “đánh đồng” nhiều lễ hội truyền thống như một dịp tương tự, thậm chí còn cho rằng kém vui hơn nước khác. Nhưng dẫu sao, điều này cũng cho thấy sự thành công trong việc quảng bá văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
(Ảnh minh họa)
“Họ đã toàn cầu hóa văn hóa của họ, chúng ta cũng nên mang lễ hội, mang cái Tết cổ truyền của dân tộc đến với nước khác”, đó là điều mà vị diễn giả nhiệt tâm mong muốn.
“Tôi cũng nhớ xuân xưa. Với tôi, Tết là một hồi ức đẹp, lưu vào tâm trí. Có thể người trẻ ngày nay, không có nhiều hồi ức đẹp nên cảm giác như Tết đang dần phôi pha. Nhưng thật ra nó vẫn còn nguyên vẹn đó. Tôi không nghĩ là do du nhập văn hóa Tây’’.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho rằng việc giáo dục và tạo một hồi ức đẹp, một tình yêu với văn hóa dân tộc cho con em là điều cốt lõi trong việc gìn giữ giá trị ngày Tết. Tất cả mọi người thông qua tình yêu và ngày đoàn viên của gia đình sẽ học hỏi được nhiều điều về truyền thống quê hương. Có thể đơn giản chỉ là những ước nguyện, sự an lành, hay cầu một mùa vụ bội thu,… với những món ăn ngày Tết. Cũng có thể là nét đơn sơ thông qua câu chuyện cây nêu, chén trà,… “Ký ức đẹp sẽ dẫn tới hoài niệm và sự bảo tồn truyền thống”.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang đã nhấn mạnh về vai trò của gia đình như vậy, trong bối cảnh cả nước đang loay hoay tìm hướng phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. Anh cho rằng, giá trị của ngày Tết, xuất phát từ sự ấm áp và đoàn viên của gia đình. Một mùa Tết đến, không chỉ là dịp con người nhìn nhận vai trò của mình giữa đất trời mà còn là dịp để chúng ta dành sự quan tâm cho ông bà cha mẹ. Tết cũng là lúc thể hiện lòng biết ơn bao đời tổ tiên đã gây dựng, gìn giữ những hồi ức, hoài niệm tốt đẹp về một ngày đầu năm mới.
Giữ Tết là việc chung của mỗi người Việt
Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, hiện nay chẳng còn mấy ai hiểu được ý nghĩa, giá trị đằng sau của mỗi phong tục Tết Việt truyền thống. Nhiều nét đẹp trong cái lễ, cái Tết xưa kia đã bị biến tướng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân. Ví như tục lì xì vốn để mừng tuổi, xua đuổi tà ma đầu năm. Người nay lại dùng lì xì làm thước đo xã hội. Một chi tiết nhỏ cho thấy, chúng ta đã đánh mất gì từ giá trị thiêng liêng mà cha ông để lại.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho rằng nét đẹp trong cái lễ, cái Tết xưa kia đã bị biến tướng
“Mỗi gia đình, và cả nhà trường cần phải giáo dục con em mình hiểu được sự thâm thúy về văn hóa ngày Tết, về lễ hội. Chỉ khi thực sự hiểu được nét đẹp ấy thì mới sinh ra tình yêu văn hóa dân tộc để mà gìn giữ cũng như truyền bá ra thế giới, như cái cách người phương Tây hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần truyền bá văn hóa quốc gia họ đến các nước, trong đó có Việt Nam”, diễn giả Hồ Nhựt Quang tâm sự.
Một thực trạng là nhiều bạn trẻ ngày nay lại nắm rõ văn hóa các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hơn là Việt Nam. Truyền thông hiện tại phần nhiều là những chương trình gameshow, thông tin giải trí mang màu sắc từ Đông Á. Chúng ta thực sự đang chịu một cuộc “ngoại xâm văn hóa”.
“Các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa nước ngoài để hòa nhập, nhưng hơn hết là phải hiểu được bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình để không bị hòa tan”, anh Quang chia sẽ.
Diễn giả cho rằng việc xây dựng một văn hóa đọc bài bản chính là công cụ giúp thanh thiếu niên gìn giữ phong tục, tập quán tốt hơn. Bài bản ở đây, là việc kiểm chứng được giá trị tài liệu đọc, sau đó là ham mê tìm hiểu, cuối cùng mới dẫn đến việc nghiên cứu văn hóa. Bên cạnh đó, vai trò giáo dục từ nhà trường là cực kỳ quan trọng. Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói “Những lễ hội văn hóa như Tết, phải được làm sáng tỏ cho các em ngay từ tiểu học”.
Những phương pháp mà diễn giả được học từ chính người thầy danh tiếng của mình – Giáo sư Trần Văn Khê – như lựa chọn độ tuổi và phương pháp, trực quan sinh động, so sánh và đối chiếu văn hóa,… đang thu được nhiều thành công trong việc giáo dục văn hóa truyền thống.
Nhìn sang các nước bạn, có lẽ chúng ta nên học hỏi cách quảng bá văn hóa thông qua du lịch. Nếu Thái Lan có Tết riêng với lễ “Té nước Songkran”, chúng ta cũng có khi muốn Việt Nam có một lễ hội Tết Nguyên Đán tưng bừng như vậy. Nhưng với đặc tính hướng nội trong văn hóa người Việt, rất khó để biến điều đó thành sự thật. Diễn giả Hồ Nhựt Quang gợi ý về ngày Giỗ Tổ Vua Hùng, chúng ta có thể giới thiệu rất nhiều nét đẹp truyền thống của Việt Nam đến với thế giới thông qua dịp này. Còn với ngày Tết, chúng ta chỉ cần chung tay, gìn giữ nó trong lòng của từng thế hệ người Việt, để mỗi người đều là một kho tàng về phong tục ngày Tết quê hương.