Kỳ thị những người mắc hoặc phải cách ly do có liên quan đến COVID-19 sẽ càng làm vấn đề phức tạp hơn, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.
Kỳ thị những người cách ly, nhiễm COVID-19 là một “tội ác”, điều đó sẽ khiến việc chống dịch lây lan ra cộng đồng khó khăn hơn. Bởi những người có nguy cơ mắc bệnh lo sợ không muốn đi cách ly, khai báo sẽ khiến bệnh lây lan và bùng phát.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Nguyệt |
Để giải quyết và tránh gia tăng sự kỳ thị với dịch bệnh COVID-19 trong xã hội, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Nguyệt và Dương Thùy Anh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra một vài gợi ý, trong đó có những việc nên làm và không nên làm.
Chú ý lời nói thích hợp
Khi nói về bệnh COVID-19 gây ra bởi virus corona chủng mới, một số từ ngữ nhất định (ví dụ như: trường hợp nghi ngờ, cách ly...) và một vài cách nói có thể mang ý nghĩa tiêu cực đối với nhiều người, có thể thúc đẩy thái độ kỳ thị. Điều đó có thể sẽ góp phần duy trì các định kiến sẵn có, thậm chí củng cố những mối liên hệ sai lệch giữa bệnh dịch và các yếu tố khác, dẫn đến lan rộng sự sợ hãi hoặc kỳ thị những người mắc bệnh.
Điều này làm cho mọi người trở nên ngần ngại hơn trong việc đi khám sàng lọc, xét nghiệm và cách ly. Vì thế, chúng ta nên sử dụng ngôn từ mang tính chất tôn trọng trong tất cả các kênh giao tiếp, bao gồm cả các phương tiện truyền thông. Không chỉ vậy, ngôn từ sử dụng trên các phương tiện truyền thông lại càng quan trọng do đây sẽ là những ngôn từ góp phần định hình cách giao tiếp về COVID-19 trong cộng đồng.
Bệnh nhân mắc bệnh, cách ly cần phải được bảo vệ không nên đưa rõ mặt, danh tính cụ thể.
Những báo cáo tiêu cực có khả năng ảnh hưởng đến cách mọi người trong cộng đồng nhìn nhận về những người có nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới hoặc bệnh COVID-19, người mắc bệnh và người nhà của họ cũng như cách nhìn nhận và đối xử với cộng đồng người mắc bệnh.
Đã có rất nhiều các ví dụ cụ thể từ các đại dịch như HIV, lao và cúm H1N1 về việc sử dụng các ngôn từ không mang tính kỳ thị có thể giúp kiểm soát sự lan rộng của dịch bệnh.
Những điều nên và không nên
Dưới đây là những điều nên và không nên trong việc sử dụng ngôn từ khi nói về dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19):
NÊN – trao đổi về dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19)
Không nên – gắn kèm địa danh hoặc dân tộc với dịch bệnh, đây không phải là “Virus Vũ Hán”, “Virus Trung Quốc”, hay “Virus Châu Á”.
Tên chính thức của dịch bệnh đã được lựa chọn kỹ càng để phòng tránh và loại bỏ sự kỳ thị là COVID-19: “CO” là viết tắt cho Corona, “VI” là viết tắt của virus và “D” là của dịch bệnh (disease), và 19 là do dịch bệnh bùng phát vào năm 2019.
NÊN – sử dụng những cụm từ như “những người mắc COVID-19”, “những người đang được điều trị bệnh COVID-19”, “những người đang hồi phục từ COVID-19” hoặc “những người đã tử vong do COVID-19” để nói về những người có liên quan đến bệnh COVID-19
Không nên – sử dụng những cụm từ như “những trường hợp/ca bệnh COVID-19” hoặc “nạn nhân” để nói về người có liên quan đến COVID-19.
Không nên có những lời nói miệt thị với những người đi về từ vùng dịch.
NÊN – sử dụng những cụm từ như “những người có thể mắc COVID-19” hoặc “những người có nghi ngờ mắc COVID-19”
Không nên – sử dụng những cụm từ như “tình nghi COVID-19” hoặc “các trường hợp nghi vấn”.
NÊN– sử dụng những từ như “mắc” hoặc “nhiễm” COVID-19
Không nên – sử dụng những cụm từ như “lây truyền COVID-19”, “lây nhiễm cho người khác” hoặc “làm lây lan virus” do những cụm từ này ám chỉ việc lây truyền bệnh một cách cố tình cũng như mang nghĩa đổ thừa.
Sử dụng những ngôn từ có tính chất hình sự hóa hoặc phi nhân cách hóa có thể gây nên ấn tượng rằng những người mắc bệnh đã làm gì đó sai hoặc ít tính người hơn tất cả chúng ta, làm bùng lên sự kì thị, giảm đi sự đồng cảm và gia tăng tình trạng miễn cưỡng tham gia khám sàng lọc, xét nghiệm, điều trị và cách ly.
NÊN – chỉ nói về những nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 thông qua những tư liệu dựa trên bằng chứng khoa học cũng như những khuyến cáo mới nhất của các cơ quan y tế chính thống (như Bộ Y tế, WHO)
Không nên – lặp lại hoặc chia sẻ những tin đồn chưa được kiểm chứng, tránh sử dụng các ngôn từ phóng đại làm gia tăng cảm giác sợ hãi như “tai ương” hoặc “tận thế”, v...v...
NÊN – nói chuyện một cách tích cực và nhấn mạnh hiệu quả của các phương pháp phòng ngừa và điều trị. Với hầu hết mọi người, đây là một căn bệnh hoàn toàn có thể khỏi và phục hồi. Có những phương pháp đơn giản mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện để giữ bản cho bản thân an toàn cũng như những người xung quanh ta, và cả những người dễ bị tổn thương nhất.
Không nên – nhấn mạnh hoặc tập trung vào sự tiêu cực, hoặc những thông điệp về sự đe dọa. Chúng ta cần hiệp lực để giúp những người dễ bị ảnh hưởng được an toàn.
NÊN – nhấn mạnh hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp bảo vệ để phòng ngừa việc nhiễm virus corona chủng mới cũng như việc sàng lọc, xét nghiệm và điều trị sớm.