Nhắc đến chuyện trại phong Đá Bạc được nhiều người quan tâm, bà Sợi bỗng nhoẻn miệng cười rồi hào hứng khoe thi thoảng bà lại được “người lạ” đến thăm, trò chuyện. Bà chỉ cần như vậy là thấy vui vẻ, hạnh phúc lắm rồi.
Cách đây 5 năm, trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội) “bỗng dưng” được dư luận quan tâm dù đã bị lãng quên từ lâu. Khi ấy, ít ai ngờ nơi này vẫn còn 10 cụ già mắc bệnh phong quái ác đang sống cách biệt với cộng đồng. Rất nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến thăm hỏi, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ các cụ nhu yếu phẩm để cải thiện cuộc sống.
Bẵng đi một thời gian, người ta không còn nhắc đến 10 cụ già tại trại phong Đá Bạc. Họ cũng không hề hay biết cuộc sống của các cụ giờ ra sao? Đã có ai mất hoặc “may mắn” được con cháu đón về nhà hay chưa?
Giữa tháng 3/2021, chúng tôi tình cờ ghé thăm trại phong Đá Bạc với hi vọng có thể gặp lại các cụ, hỏi han sức khỏe và trò chuyện về cuộc sống trong 5 năm qua. Ngờ đâu, nơi đây giờ là nhà của duy nhất bà Sợi (SN 1944, quê Vĩnh Phúc).
Trại phong Đá Bạc.
Vừa vào trại phong đã đau đớn hay tin chồng lấy vợ mới
“Tôi sống mình vài năm rồi. Trước chúng tôi có 10 chị em nương tựa vào nhau sống qua ngày đoạn tháng. Nhưng họ lần lượt được con cháu đón về nhà nuôi dưỡng, chỉ riêng tôi là không. Tôi cũng có con gái đã lấy chồng mà hoàn cảnh khó khăn quá”, bà Sợi vừa nhấp ngụm trà vừa mở đầu câu chuyện.
Sau đó bà từ từ nói về hoàn cảnh của mình, bắt đầu từ thuở nhỏ. Bà là trẻ mồ côi được một gia đình nhận về làm con nuôi. Cuộc sống không dư giả nhưng có bố mẹ, đủ cơm ăn áo mặc. Đến tuổi cập kê, bà lấy chồng trong làng rồi nhanh chóng có tin vui.
“Tôi cứ ngỡ gia đình sẽ êm ấm và hạnh phúc chờ ngày con chào đời. Nào ngờ ông trời trêu đùa, “đẩy” tôi mắc căn bệnh hủi. Hồi ấy căn bệnh này giống bệnh dịch nan y khiến bao người khiếp sợ, ai mắc phải như dính án tử vậy! Vì thế tôi đã giấu nhẹm đi bằng cách lấy gai chọc các vết bỏng căng phồng cho vỡ ra.
Tôi không biết lại ra đồng làm lụng, bùn đất dính vào các vết bỏng khiến chân tay nhiễm trùng, các khớp co quắp. Căn bệnh lại không có thuốc chữa nên tôi cứ chịu đau đớn một mình, đồng thời cố giấu mọi người vì sợ bị xua đổi, đánh đập không thương tiếc”, bà Sợi nghẹn ngào nhớ lại.
Bà Sợi đưa ánh mắt đượm buồn khi nghĩ đến tương lai.
Năm 1967, một đoàn bác sĩ về địa phương bà Sợi làm các xét nghiệm và tuyên truyền về căn bệnh phong. Họ kết luận bà mắc bệnh rồi làm thủ tục đưa bà về trại phong Đá Bạc “cách ly”. Bà khăn gói, tạm biệt ông xã “lên đường” về nơi có những mảnh đời cùng cảnh ngộ.
Không lâu sau, bà đau đớn hay tin chồng ở nhà lấy người phụ nữ khác làm vợ. Bà cắn răng chịu đựng để đứa con trong bụng chào đời bình an. “Con gái tôi cất tiếng khóc trong trại phong. Con không có tiêu chuẩn ăn uống nên nhiều bữa tôi phải nhịn hoặc ăn sắn ngô để nhường cơm có thịt cho nó.
Một thời gian, tôi lần nữa chấp nhận đau đớn để con cho người khác nuôi vì muốn nó có cuộc sống tươi đẹp, được đến trường và không bị người ta kỳ thị có mẹ bị bệnh hủi…”, cụ bà 77 tuổi tâm sự.
Ước nguyện nhỏ nhoi lúc cuối đời
Đến nay, bà Sợi đã sống tại trại phong Đá Bạc được hơn 50 năm. Bà bảo đây chính là ngôi nhà mà bà không thể rời xa được. “Tôi là một trong những người đầu tiên đặt chân đến nơi này. Tôi nhớ ngày ấy, toàn bộ dãy nhà trong trại vừa mới xây xong và không có người đến sống. Dần dần bệnh nhân từ khắp nơi được đưa về Đá Bạc. Chúng tôi đã sát lại bên nhau rồi gắn bó, thân thiết như ruột thịt. Do đó, khi mọi người rời ra ngôi nhà này, tôi cũng buồn lắm nhưng biết phải làm sao bây giờ?”, bà trầm ngâm.
Đây chính là ngôi nhà của bà Sợi suốt hơn 50 năm qua.
Gần một đời sống nơi rừng núi hoang vắng, bà Sợi dường như đã quen với cảnh cô quạnh và đìu hiu. Bà bảo giờ đây chẳng còn sợ lời dị nghị của người đời hay bệnh tật đớn đau gì cả. Điều bà lo lắng nhất chính là sợ mất chú chó mà bà đã nuôi nấng 5 năm qua.
“Tôi mua một con chó về nuôi. Sau đó nó đẻ được 6 con chó con. Một lần tôi ra ngoài thì chó mẹ bị đánh bả chết. Tôi gắng nuôi nấng 6 con nhỏ nhưng cũng bị mất dần, chỉ còn lại một con duy nhất. Tôi coi nó như con cháu ruột thịt và yêu thương hết mực.
Nó còn là bạn tâm giao, chịu lắng nghe những tâm sự của tôi. Tôi ăn gì thì nó ăn nấy. Tôi đi đâu đều phải nhốt nó vào nhà vì sợ mất rồi sẽ thương nhớ khôn nguôi”, bà Sợi kể.
Nhắc đến chuyện trại phong Đá Bạc được nhiều người quan tâm, bà Sợi bỗng nhoẻn miệng cười rồi hào hứng khoe thi thoảng bà lại được “người lạ” đến thăm, trò chuyện. Bà chỉ cần như vậy là thấy vui vẻ, hạnh phúc lắm rồi. Giờ bà sống ở tuổi “gần đất xa trời” nên không còn quá quan trọng cái ăn cái mặc.
“Mỗi tháng tôi nhận được 700 nghìn đồng tiền trợ cấp người khuyết tật và cao tuổi, Tôi còn trồng rau, nuôi gà bán lấy tiền đong gạo, cải thiện bữa ăn. Nhờ đó cuộc sống của tôi và con chó cũng đủ an yên”, bà cho hay.
Chia sẻ ước nguyện sau khi nhắm mắt xuôi tay, bà Sợi thẳng thắn cho biết chỉ cần sống bình yên ở trại phong đến cuối đời. Khi chết, bà mong chính quyền và người dân chôn cất tử tế.