Những phận người hơn nửa đời cô đơn trong trại phong

Ngày 25/01/2015 10:19 AM (GMT+7)

Hơn nửa đời người sống trong trại phong, những phận người cứ sống lắt lay chỉ “ước mong được chết”. Ngày lễ tết họ vẫn lầm lũi với nhau, người thân không, con cháu chẳng.

Trại phong xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có từ những năm kháng chiến, là nơi chính quyền trợ cấp đưa các bệnh nhân phong về chữa trị. Trong khi mọi người sống êm đềm bên cạnh con cháu thì ở đây, có những người đã phải để hơn nửa cuộc đời chôn chân nơi giường chiếu bệnh tật. Họ lủi thủi như những cái bóng khát khao được gặp người thân vẫn chỉ là trong giấc mơ, không hơn không kém.

Kết hôn rồi chết ở trại phong

Trại phong được Nhà nước xây dựng từ những năm kháng chiến, người ở trong trại  phong cũng sống từ ngày ấy cho đến giờ. 50 năm, 60 năm, hoặc hơn thế, chẳng ai ở đây để tâm nữa, họ sống với nhau với bệnh tật, không người thân thích, gắn bó đến lúc chết, mặc nhiên như nơi đây là để chôn cả cuộc đời những người như họ. Trong cuộc sống ấy, có những mảnh đời tìm đến với nhau, nên vợ thành chồng.

Vốn dĩ không khí trại phong rất yên bình, ngày tôi đến, trong căn phòng ở dãy nhà bên phải nhà văn hóa có vẻ như còn đang chìm trong một không gian nào khác tĩnh mịch hơn. Ở đó có bóng một người đàn bà ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế nhựa xanh cũ, ánh mắt hướng về phía trước, như đau khổ, như mong đợi một điều gì. Vừa thấy có người bước vào, nét mặt bà vội vã: “Cám ơn cô! Cám ơn cô! Báo cáo cô, ông nhà tôi vừa mới mất…”.

Những phận người hơn nửa đời cô đơn trong trại phong - 1

Cụ bà Đặng Nọn ngồi co ro trong căn phòng của mình, hai tay cụ đã cụt vì bệnh phong

Bà nói, nước mắt còn đọng quanh khóe mi, mùi khói hương bay lờn vờn từ chiếc bàn thấp dựng tạm, trên đặt ảnh một ông lão trông hiền hậu. Hai ông bà vốn dĩ đều là bệnh nhân ở đây, bà tên Phạm Thị Sinh ở Ninh Bình, ông tên Hậu ở Phú Thọ, gặp nhau trong trại phong cùng chia sẻ nỗi đau bệnh tật rồi đồng cảm mà nên vợ chồng.

Cậu con trai bà sống ở Ninh Bình bận bịu cày cấy một năm mới đến thăm cha mẹ được một lần. Hơn 50 năm qua ông bà vẫn hay nói đùa với nhau rằng: cảnh bệnh tật ở chỗ này, người nào được chết trước là sướng.

Ông đã bỏ bà đi trước thật như “ước nguyện”. Hôm ông mất, không có ai thân thích, bà phải bỏ ra 100 nghìn tích cóp được để thuê người cùng bà trông xác ông một đêm rồi mới chôn. Bây giờ, trong căn phòng hình chữ nhật nhỏ hẹp trải dài đủ hai chiếc giường bệnh, chỉ còn bà ngồi đó trông càng trống trải hơn bao giờ hết. Khoảnh khắc bà nói lời đầu tiên khi thấy tôi từ cửa, tôi ngầm nghe thấy rằng: “Cô à, ông nhà tôi vừa mới mất. Cám ơn cô, cám ơn cô vì đã đến…”.

Đi sang vài phòng bệnh khác, đôi lúc tôi cũng nhìn thấy một tấm ảnh thờ dựng tạm đã cũ, dấu vết cho một cuộc sống đôi lứa đã qua đi. Người ở đây, họ tìm đến nhau để chia sẻ, để vươn lên số phận của mình, chống lại bệnh tật và đau khổ, xua đuổi nỗi cô đơn.

Mang tuổi trẻ vào trại phong

Sống trong một phòng bệnh khác, không phải chịu nỗi đau mất chồng như bà Sinh nhưng đối với bà Phạm Thị Tiện, nỗi cô đơn trong bà không gì có thể diễn tả hết được. Bà quê ở Hải Dương, mắc bệnh vào đây từ thời còn trẻ lắm, từ thời bà còn xuân, còn sức lặn lội lên Hải Phòng làm ăn, từ lúc bà còn chưa kịp lấy chồng.

Những phận người hơn nửa đời cô đơn trong trại phong - 2

Cụ bà Phạm Thị Tiện sống hơn nửa đời người trong trại phong

Bà bảo: họ hàng thân thích làm gì có mà đến thăm, nói chi đến dịp nọ dịp kia. Ngày lễ tết với bà cũng như mấy ngày bình thường, có khác chăng thì khác ở chỗ có thêm tiếng loa đài người ta tổ chức kỉ niệm trong nhà văn hóa vọng lại. Bà vẫn lẩn thẩn ngồi một mình trên giường, lần giở miếng trầu nhai tóp tép, chân đau, bà chẳng muốn đi đến đâu. Người thân của bà chết hết năm Ất Dậu rồi, bà vẫn sống như thế này hơn 50 năm nay.

Bà Nguyễn Thị Nuôi năm nay ngoài 70 tuổi. Quê bà nằm cạnh con sông Văn Úc có bến phà Khuể, khu 6 thị trấn Tiên Lãng. Bất hạnh ập đến với cuộc đời bà từ năm 12 tuổi. Đôi chân sau trận cảm trở nên tê dại và mất cảm giác khắp cơ thể.

Phát hiện bị bệnh phong, gia đình bà cũng như bản thân bà không chống lại nổi định kiến của xã hội. Người ta hắt hủi bà, làng xóm hắt hủi bà và bà tìm đến trại phong như bến đỗ cuối cùng để sống những ngày cuối đời. Nhớ nhà, thỉnh thoảng bà cũng muốn về làng thì bị hàng xóm đánh đuổi. Nhiều đêm đứng trước cổng nhà nhìn ánh đèn hắt ra từ cửa sổ mà lòng đau quặn lại. Bà tìm đến Văn Môn như đứa trẻ lạc mẹ tìm lại được gia đình. Mấy chục năm nay, bà sống trong sự cô độc và mặc cảm.

Cụ Nguyễn Thị Sáu (80 tuổi) quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương với những bàn chân, tay bị cụt gần hết, phều phào qua hàm răng không còn nguyên vẹn. Cụ cho biết : "Mỗi tháng chúng tôi được 13kg gạo, 63 nghìn đồng, hai lạng thịt lợn, với túi xà phòng, ít muối, được phát 1 bộ quần áo mỗi năm. Dịp tết Nguyên đán nhận thêm 1kg thịt lợn và được đổi 2kg gạo tẻ lấy 1kg gạo nếp, 1kg gạo thơm”. Những người bệnh nơi đây, nhiều năm qua họ vẫn trồng thêm cây rau cải, rau mồng tơi, rau đay để cải thiện hàng ngày.

Mỗi người một cảnh, có lẽ sống vui hơn một chút nhưng bà Đặng Thị Nọn lại bị căn bệnh hành hạ hơn về thể xác. Bà phải bị cắt cụt mất hai chân, phải dùng chân giả mấy chục năm nay. Đến năm 2008 thì bà bị ngã. Bà di chuyển bằng cách dùng chiếc ghế con để lê bước trên sàn nhà, hai cánh tay cũng đã bị mòn cụt mất bàn tay. Bà còn con cháu, thỉnh thoảng cũng được con cháu đến thăm, nhưng hầu hết đều bận làm ăn cày cấy. Bà ở trong trại phong chủ yếu vui vầy cùng hàng xóm và những bệnh nhân cùng cảnh ngộ.

Mỗi giường bệnh là một mảnh đời, mỗi con người là một trái tim khao khát sống, mỗi ánh mắt là một sự mãnh mẽ vươn lên không ngừng nghỉ. Trong khu trại phong đó, nơi có sự chở che của Nhà nước, có sự quan tâm của các tổ chức từ thiện, đi cùng với nỗi buồn năm tháng, người ta vẫn nỗ lực để sống vui.

Tuệ Linh - Thu Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot