Sở Công thương Hà Nội dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 của Thành phố sẽ tăng khoảng 0,05% - 0,09% so với tháng 2/2015.
Sở Công thương Hà Nội nhận định, trong tháng 3/2015, có nhiều yếu tố hỗ trợ giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tăng nhẹ so với tháng 2/2015
Cụ thể, nhóm hàng lương thực đang có nguồn cung khá dồi dào tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam nên trong thời gian tới dự báo giá sẽ ổn định, đặc biệt là giá gạo ổn định.
Đối với nhóm hàng thực phẩm, Sở Công thương Hà Nội đánh giá, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm hiện nay khá ổn định, đảm bảo cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, sau Tết giá các mặt hàng thịt tươi sống như thịt bò, thịt gà, thủy hải sản vẫn ở mức cao. Dự báo giá các mặt hàng sẽ vẫn cao đến thời điểm qua Rằm tháng Giêng do nhu cầu người dân tăng lên. Sau đó, giá sẽ giảm dần do nhu cầu người dân ổn định trở lại.
Đối với nhóm hàng rau củ, hiện nay tình hình thời tiết khá thuận lợi cho rau củ phát triển nên nguồn cung rau củ dồi dào, dự báo trong tháng 3 giá rau, củ ổn định.
Giá thực phẩm được dự báo sẽ giảm tiếp khi qua thời điểm Rằm tháng Giêng. Ảnh: Bảo Anh
Ngoài ra, trong tháng 3 này, theo Sở Công thương Hà Nội, còn có nhiều yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hóa ổn định như nguồn cung hàng hóa cơ bản được ổn định; Lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức thấp; Tỷ giá ổn định, Thành phố Hà Nội đang triển khai chương trình Bình ổn giá năm 2014 đến hết ngày 30/4/2015. Giá xăng dầu ở mức thấp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố gây sức ép làm tăng giá như hàng hóa thực phẩm có thể tăng tại thời điểm trước Rằm tháng Giêng; Nhu cầu về dịch vụ ăn uống ngoài gia đình của người dân tăng cao trong mùa lễ hội tháng giêng nên giá các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng lên.
Do đó, dự báo CPI tháng 3/2015 sẽ tăng khoảng 0,05%- 0,09% so với tháng 2/2015.
Trong tháng 2/2015 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,24% so với tháng 12 năm trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây, CPI tháng Tết của Hà Nội giảm.
Trong tháng 2 có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, tuy nhiên mức tăng thấp dưới 0,71%. Tăng cao nhất là CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,48% trong đó thực phẩm tăng 0,71% do nhu cầu của người dân tăng lên và nhóm Đồ uống, thuốc lá (tăng 0,42%) do nhu cầu của người dân tăng lên trong dịp trước Tết Nguyên đán.
Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu vào 2 ngày 21/1, 5/2 và các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước.
Tết Nguyên đán Ất Mùi diễn ra đúng vào tháng 2, tuy nhiên giá cả các loại lương thực, thực phẩm không có nhiều biến động do nguồn cung dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Sức mua của người dân vào dịp Tết chỉ tập trung mua sắm những hàng hóa thật sự thiết yếu như lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm… và ưu tiên hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
* CPI Hà Nội tăng 3,16% vì giá viện phí * Chuối Tết khan hiếm, lăm le tăng giá cả chục lần |