Nếu như năm 2015, kỳ thi chung quốc gia được tổ chức trong 4 ngày thì năm 2016, dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm sẽ được tổ chức trong 3 ngày 13,14,15 tháng 6 năm 2016.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi chung Quốc gia năm 2016 sẽ có nhiều cải tiến nhằm đáp ứng tốt hơn công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi quốc gia chung 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 1/7 đến ngày 4/7/2015 tại 99 cụm thi. Tuy nhiên nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho rằng, thời gian như vậy là quá dài gây áp lực cho thí sinh và nhà trường nên năm nay dự kiến kỳ thi quốc gia chung chỉ còn lại 3 ngày.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và toàn xã hội, Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với một số điều chỉnh phù hợp.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến sẽ được tổ chức trong 3 ngày vào các ngày 13,14,15 tháng 6 năm 2016. (Ảnh minh họa)
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi năm 2016 tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt, để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển vào ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường.
Bộ GD-ĐT có thể quy định đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau, của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh, giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày.
Bộ GD-ĐT có thể cho phép các cơ sở đào tạo quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh; các nhóm trường (đặc biệt nhóm 30 trường ĐH có sức hút thí sinh năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho thí sinh và nhà trường.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục bổ sung nâng cấp hệ thống phần mềm, trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, khắc phục những vấn đề kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng cho Kỳ thi THPT quốc gia 2016 và những năm tiếp theo.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm 2016, sau khi hoàn thành việc chấm thi, các cụm thi phải cập nhật điểm thi vào hệ thống quản lý của Bộ GD-ĐT, tăng thêm các cổng công bố kết quả thi, để tạo thuận lợi cho thí sinh.