Đưa học sinh đi trải nghiệm, dã ngoại: Phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu

Ngày 24/05/2023 09:10 AM (GMT+7)

Hiện nay, ngoài hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thuộc chương trình chính khóa do nhà trường tổ chức, việc các lớp đi dã ngoại tự phát do phụ huynh chủ trì cũng đang diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn. Vụ việc thương tâm vừa xảy ra khiến một học sinh và một phụ huynh ở Hà Nội tử vong trong khi đi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định) cho thấy vấn đề tổ chức các hoạt động này cần được nhìn nhận nghiêm túc và phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Bài học đau xót từ tai nạn đau lòng

Tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến một phụ huynh và một học sinh đến từ Hà Nội tử vong do bị sụt lún, nước cuốn. Điều đáng nói, hai nạn nhân là thành viên đoàn học sinh từ Hà Nội đến đây để tham gia hoạt động dã ngoại, trải nghiệm do các phụ huynh trong lớp tự đứng ra tổ chức.

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định), nơi xảy ra sự việc học sinh và phụ huynh tử vong khi tham gia trải nghiệm bắt ngao. Ảnh minh hoạ.

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định), nơi xảy ra sự việc học sinh và phụ huynh tử vong khi tham gia trải nghiệm bắt ngao. Ảnh minh hoạ.

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, vụ việc đau lòng xảy ra vào khoảng 12h30 ngày 20/5, tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Cụ thể, ngày 20/5, một đoàn khách khoảng 50 người bao gồm phụ huynh và học sinh của một trường tư thục ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm. Đoàn do các phụ huynh của lớp học tự tổ chức, do ông Ô.V.K, làm trưởng đoàn.

Trong quá trình tham quan, một tốp khoảng 20 người gồm cả học sinh và phụ huynh được tàu đưa ra bãi cát nằm giữa sông Hồng và sông Trà để trải nghiệm bắt ngao, vạng. Thời điểm đoàn tham quan xuống bãi cát thì nước cạn. Trong khi các học sinh đang trải nghiệm thì nước dâng lên. Do là bãi cát non nên khi nước dâng lên, thay đổi dòng chảy, nhiều học sinh bị sụt và bị nước cuốn đi. Những người trên tàu đã ném áo phao xuống để các phụ huynh cứu các học sinh.

Ông Ô.V.K cũng ngay lập tức tham gia cứu các học sinh gặp nạn. Sau khi cứu được 2 học sinh, ông K. tiếp tục bơi ra để cứu một cháu học sinh khác không có phụ huynh đi cùng, nhưng không may cả hai đều bị nước cuốn đi. Được biết, khu vực xảy ra tai nạn cách đất liền 7km, muốn ra khu vực này phải có tàu. Qua đài phát thanh, UBND xã Giao Thiện thường xuyên khuyến cáo đây là khu vực nguy hiểm, các đoàn tham quan cần chú ý.

Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm này, ngày 23/5, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đơn vị đã nắm được thông tin ban đầu. Đây là chương trình do phụ huynh tổ chức tự phát và đơn vị đang yêu cầu báo cáo; phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ sớm có báo cáo cụ thể về vụ việc. Sau sự việc đáng tiếc này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã đề nghị các trường trực thuộc và các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Trong đó, tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.

Quan tâm các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh

Thực tế cho thấy, hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường cũng là hoạt động cần thiết của học sinh, mang đến sự trải nghiệm cho các em, gắn học với hành, lý thuyết đi đôi với trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm, đáng tiếc trong thời gian học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, dã ngoại. Đơn cử như vào năm 2023, một học sinh lớp 11 Trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) đã tử vong do bị đuối nước khi đi dã ngoại tại Mai Châu (Hoà Bình).

Trước đó, vào ngày 13/1/2021, một học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Âu Dương Lân (TP Hồ Chí Minh) cũng đã tử vong sau khi rơi xuống vùng biển nhân tạo khi đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).

Tương tự, vào ngày 14/1/2021, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), tàu lượn đang trong quá trình vận hành thì bất ngờ một khoang chở khách rơi ra khỏi đường ray. Sự cố khiến 1 học sinh THPT ở huyện Đông Anh (Hà Nội) bị đập đầu xuống nền bê tông. Trước đó nữa, vào năm 2020, một học sinh lớp 12 ở Sóc Trăng cũng bị tai nạn tử vong vì ngã xe đạp trong chuyến đi trải nghiệm ở Đà Lạt…

Từ tai nạn đau xót xảy vừa ra tại Nam Định hay nhiều địa phương khác trong cả nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo điều kiện, tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá là cần thiết nhưng đơn vị, người tổ chức cần phải hết sức thận trọng, chu toàn, đặt yếu tố an toàn của học sinh lên hàng đầu.

Chị Bùi Hoàng Thuỷ, phụ huynh có con đang học phổ thông tại Hà Nội cho rằng, ở các cấp học phổ thông, trẻ em rất hiếu động, còn thiếu những kỹ năng sống, bởi vậy, bên cạnh sự hữu ích, các hoạt động dã ngoại, ngoại khoá cũng dễ tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là những điểm đến thường là những nơi mới lạ, gắn với thiên nhiên hoặc những trò chơi mạo hiểm, thu hút trí tò mò học sinh.

Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng chia sẻ: Khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, yếu tố an toàn luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trước tiên là phải chọn lựa những địa điểm an toàn và đích thân ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh phải đi “tiền trạm”. Nếu thấy an toàn cả về địa điểm, về thực phẩm và phù hợp với lứa tuổi, với mục tiêu mà chuyến đi hướng tới thì mới quyết định tổ chức đưa học sinh đi.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng nêu quan điểm: Không thể vì xảy ra những sự cố, những vụ tai nạn đau lòng mà cấm các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm của học sinh. Tuy vậy, ông Dong cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là khi tổ chức các hoạt động này, nhà trường, các đơn vị tổ chức cần phải đặt yếu tố an toàn của học sinh lên hàng đầu; có cách tổ chức quản lý thế nào để có thể lường trước về tình huống nguy hiểm hoặc nguy cơ cao để hạn chế tối đa.

Chẳng hạn, với những trò chơi mạo hiểm hoặc khu vực nguy hiểm, nhà trường cần phải kiểm tra và bố trí cán bộ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh; cần phải có những cảnh báo, có công cụ phương tiện và nhân lực hỗ trợ cũng như phải ưu tiên lựa chọn các đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm trong việc tham gia tổ chức các hoạt động này.

Phụ huynh và học sinh ở Hà Nội tử vong khi tham gia trải nghiệm bắt ngao
Khi tham gia trải nghiệm bắt ngao, vạng ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), một học sinh và một phụ huynh không may bị đuối nước tử vong.

Tin tức Hà Nội

Theo Huyền Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục