Trong trường hợp máu chảy vì khối u là nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời.
Con viêm xoang cứ nghĩ là thường
Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 150 đến 200 trẻ. Trong đó, số lượng trẻ liên quan đến chảy máu cảm từ 15 đến 20 trẻ. Hầu hết,phụ huynh đưa trẻ đi khám vì chảy máu cam ít lo lắng, và cho rằng đây là điều bình thường ở trẻ. Tuy nhiên, một số bà mẹ cảm thấy hối hận khi nhận kết quả.
Chị Nguyễn Thị Đào Nguyên (quận Bình Tân) ngồi trước phòng khám Tai – Mũi - Họng chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ trẻ chảy máu cam là điều bình thường. Khoảng nửa năm nay, mỗi tháng cháu chảy máu cam khoảng chừng hai đến ba lần nên không để ý. Hơn tuần nay, cháu cảm thấy khó thở, tình trạng chảy máu cam nhiều lần, tôi cứ nghĩ cháu bị viêm mũi”.
Mỗi ngày có khoảng 15 đến 20 đến khám liên quan đến chảy máu cam (Ảnh minh họa)
Ngồi cạnh đó, anh Nguyễn Hữu Truyền cho biết con trai anh bị chảy máu cam hơn tháng nay. Có khi đang ngồi chơi thì máu từ mũi chảy ra. “Vì bận rộn, tôi cứ nghĩ việc cháu chảy máu cam là điều bình thường. Thế nhưng, đưa đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị viêm mũi kéo dài, do không phát hiện, chữa trị sớm nên biến chứng thành viêm xoang.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Minh (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, chảy máu cam là bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ từ hai tuổi. Theo kinh nghiệm, trẻ chảy máu cam nhiều vào hai mùa là mùa xuân và mùa hè. Mùa xuân thời tiết thường khô, lạnh kích thích niêm mạc mũi. Còn mùa hè do thời tiết nắng nóng, trẻ dễ viêm nhiễm mũi, họng.
Theo bác sĩ, có hai nhóm nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu mũi. Thứ nhất là do tác động bên ngoài thường là ngoáy mũi làm trầy xước niêm mạc hốc mũi, nằm máy lạnh khiến miên mạc mũi bị kích thích gây chảy máu…
Nhóm thứ hai là vì do cơ thể. Nhóm này là do bé bị viêm mũi, viêm xoang tái phát nhiều lần làm hốc mũi tăng sinh mạch máu gây chảy máu. Với nhóm này, trẻ thường kèm các dấu hiệu ho, sổ mũi, ngạt thở, hắt xì… Chảy máu cam có thể là vì rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch, u trong hốc mũi trẻ… Các bệnh này là rất nguy hiểm.
Có thể có nguy cơ tử vong cao
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho hay, chảy máu cam thường chia làm ba cấp độ, nhẹ, trung bình và nặng. Phụ huynh có thể hướng dẫn cho con dùng tay ép cánh mũi bên chảy máu lại rồi ngồi cúi đầu về phía trước. Trường hợp cả hai mũi đều chảy máu cam cùng lúc, trẻ có thể dùng tay ép cả hai cánh mũi lại rồi thở bằng miệng. Khi bị chảy máu cam, không được nằm, ngửa cổ ra sau vì sẽ không kiểm soát được lượng máu chảy. Riêng bé nhỏ tuổi, nếu chảy máu cam mà cho nằm ngửa sẽ rất dễ làm bé sặc, gây nguy hiểm…
Phụ huynh khuyên con không nên dùng tay đưa vào mũi
Chảy máu cam trong khoảng thời gian dài cần được đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ khám sẽ biết máu chảy từ vị trí nào. Máu chảu ở các vị trí thông thường thì không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu máu chảy trên vòm, đằng sau mũi thì có thể có một khối u gây xuất huyết. Bé sẽ được xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng máu đông, viêm nhiễm… Trong trường hợp máu chảy vì khối u là nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời.
Nếu đã bị chảy máu mũi thì cần ngăn ngừa máu mũi chảy trở lại. Phụ huynh cần giữ niêm mạc mũi trẻ được ẩm, có thể dùng kem Vaseline vào phần trước của vạch ngăn mũi… Tuy nhiên, một ngày chỉ nên bôi từ một đến hai lần. Ngoài ra, phụ huynh có thể dùng máy phun sương làm ẩm không khí, dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc… Phụ huynh cũng cần cho trẻ uống nhiều nước.