Hôm qua (3/9), Tổ chức Y tế thế giới cho biết, số người chết do đại dịch Ebola đã tăng vọt lên hơn 1.900 người.
Số ca tử vong tăng vọt
Trước những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của dịch bệnh chết người Ebola, hôm qua (3/9), Tổ chức y tế giới đã tổ chức một cuộc họp khẩn để xem xét tình hình chữa trị hữu hiệu nhất và thảo luận cách đẩy nhanh quá trình thử nghiệm các loại thuốc đặc trị ở thủ đô Geneva (Thụy Sĩ).
Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, cho biết, chỉ trong vài ngày qua, số người nhiễm virus Ebola đã tăng đột biến lên tới ít nhất 3.500 người. Hơn 1.900 người trong số đó đã tử vong, nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây cộng lại.
Cụ thể, trong vòng 1 tuần qua, Virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 người. Guinea là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Ebola lần này vào tháng 3 năm nay. Sau đó, dịch nhanh chóng lan sang các quốc gia láng giềng Liberia, Sierra Leone và Nigeria.
Dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.900 người ở các quốc gia Tây Phi
Tính đến thời điểm này, tại Tây Phi hiện đã có 5 quốc gia có dịch Ebola. Sau Guinea, Sierra Leone, Guinea và Nigeria, quốc gia thứ 5 ở Tây Phi xuất hiện dịch Ebola là Senegal. Tuần trước, Senegal đã thông báo có ca Ebola đầu tiên là một sinh viên vượt biên giới từ Guinea trốn sang nước này.
Cộng hòa Dân chủ Dân chủ Congo cũng đã có 31 trường hợp tử vong do nhiễm Ebola. Cũng trong hôm qua, Nigeria thông báo có thêm hai trường hợp nhiễm bệnh ở thành phố Port Harcourt và người thứ bảy thiệt mạng tại quốc gia này.
Tại Mỹ, Nancy Writebol, nhân viên y tế bị nhiễm Ebola trong khi làm việc ở Liberia, đã bình phục nhưng cũng thừa nhận mình vừa trải qua “những ngày đen tối”.
Trong diễn biến mới nhất, Y tá người Anh William Pooley nhiễm virus Ebola đã được xuất viện, mang lại một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống căn bệnh chết người này.
Y tá này đã hồi phục sau 10 ngày điều trị cách ly tại RHS bằng ZMapp, loại thuốc thử nghiệm được cho là đã cứu sống hai bác sỹ người Mỹ trước đó. Tuy nhiên, cũng có ít nhất hai bệnh nhân khác được điều trị bằng ZMapp đã tử vong.
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan (Ảnh AP)
Dịch sốt xuất huyết Ebola lần đầu tiên bùng phát vào năm 1976 tại một ngôi làng ven con sông Ebola ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng chính từ đó, người ta đặt tên dịch bệnh là Ebola. Đến năm 1995 lại xuất hiện một đại dịch thứ hai bùng phát.
Hạn chế đi lại có thể khiến cho đại dịch Ebola trầm trọng thêm
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Cộng đồng thế giới cần đoàn kết và nỗ lực hành động để đối phó với dịch bệnh: “Dịch bệnh Ebola hiện nay là dịch bệnh lớn nhất, nguy hiểm nhất và phức tạp nhất trong lịch sử 40 năm qua của căn bệnh này".
Trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, WHO cũng đã triển khai kế hoạch trị giá 490 triệu USD để giúp các nước kiểm soát dịch bệnh Ebola và cảnh báo có thể 20.000 người sẽ nhiễm bệnh. Tuy nhiên chuyên gia David Nabarro, điều phối viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về dịch Ebola, dự báo tổng chi phí chống Ebola có thể vọt lên đến 600 triệu USD.
Một người đàn ông áo đỏ nhiễm Ebola bỏ trốn khỏi khu vực cách ly, đến xin ăn tại một khu chợ khiến khu chợ này náo loạn
Việc đóng cửa biên giới, hạn chế các hoạt động trao đổi thương mại qua các cảng biển, hay việc thiết lập các vùng cách ly, hủy bỏ các chuyến bay tới Tây Phi đang được xem là những nguyên nhân cơ bản khiến cho dịch bệnh Ebola trầm trọng thêm.
Tình trạng khan hiếm lượng thực, thực phẩm ở các quốc gia vùng tâm dịch làm cho giá cả bị đẩy lên cao. Nhiều nơi, người dân không đủ tiền mua lương thực hoặc không có khả năng tiếp cận tới lương thực. Tại Guinea, người dân phải chi ra 80% thu nhập để mua lương thực. Việc hạn chế đi lại khiến cho các bác sỹ không tiếp cận được những nơi cần thiết.