Gần một năm từ khi vụ bạo hành trẻ em ở Hải Dương bị phanh phui, những kẻ có hành động tàn độc đã phải trả giá. Tuy nhiên, những tổn thương mà cháu T. đang phải gánh có lẽ sẽ không bù đắp được.
Tiếp chúng tôi trong gian nhà xập xệ, bà Nguyễn Thị Đ. (xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bà nội của cháu T. - nạn nhân của vụ bố đẻ và mẹ kế bạo hành gần một năm về trước cho biết, hiện nay cháu Thu đã cởi mở với mọi người hơn trước, đi học chăm chỉ và biết đỡ đần ông bà nội những việc nhẹ nhàng.
Bà Đinh nhớ lại, từ khi bố mẹ cháu T. ly dị, T. ở với bố đẻ Nguyễn Doãn Thắng và ông bà nội. Không lâu sau bố đi bước nữa với người phụ nữ tên Ngô Thị Huệ mà T. vẫn thường gọi là mẹ Huệ. Từ khi có vợ mới, bố T. ở luôn nhà mẹ Huệ không về. Có lẽ, cuộc sống của T. sẽ mãi yên bình nếu không có một ngày bố đẻ đòi đưa bằng được cháu về nuôi với lý do... tiện cho việc học hành.
Về ở với bố và mẹ kế, T. phải nấu cơm, lau nhà, bế em, quấy bột, trong khi con riêng của mẹ kế không phải làm gì. Vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng, T. phải thức quỳ lạy từ 0h đến 2h30 sáng. Không những thế, T. còn thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn roi vô lý của cả bố và mẹ. Dã man hơn, mẹ kế còn bóp cổ, vùi đầu cháu xuống thùng nước, buộc tóc đập đầu vào tường, dùng khúc gỗ có đinh đập liên tiếp vào đầu cháu… Kết quả của những trận bạo hành đó cháu T. bị bầm tím vùng mặt, ở gò má trái, trầy xước vùng cổ, lưng có nhiều vết bầm tím, mông trái bầm giập, tụ máu, gãy xương sườn số 6.
Khi vụ việc bị vỡ lở, người cha tàn nhẫn đó khai nhận đã thường xuyên dùng roi đánh cháu T. dã man dẫn đến nhiều vết bầm tím, trầy xước trên người, tinh thần cháu luôn hoảng loạn.
Nhớ lại những ngày đầu trở về sống cùng ông bà nội, bà Đinh cho biết T. gầy và xanh như tàu lá chuối, cháu lầm lì và trở nên ít nói hơn, ít giao tiếp với bạn bè, lúc nào cũng chỉ ở trong nhà vì sợ mẹ kế đến bắt cháu đi. Trên khuôn mặt ngây thơ của đứa trẻ lên 6 hằn lên những vết bầm tím quanh má và hốc mắt cùng chi chít những vết thương xung quanh người. Đau đớn hơn, T. thường ho ra máu, phải chạy chữa mãi mới khỏi bệnh. Đó là những dấu tích còn xót lại của những trận đòn roi mà Thu phải hứng chịu từ mẹ kế và bố đẻ của mình.
Thu học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn khác hoàn toàn so với những lời mẹ kế nói về em
Hiện tại T. đang là học sinh lớp 2 nhưng đôi mắt của cháu giờ đây không còn được tinh anh như chúng bạn. Mỗi lần học bài, Thu phải cúi rạp người xuống mới viết được chữ, đọc được sách. Mắt kém, tầm nhìn của T.vì thế cũng bị hạn chế hơn trước. Gần một năm trôi qua kể từ khi vụ bạo hành bị vỡ lở nhưng chưa một lần mẹ kế hỏi thăm xem T. sống như thế nào, học hành ra sao. Bản thân ông bà nội cũng không biết hiện tại bố T. đang thi hành án phạt ở trại giam nào, bởi mẹ kế giữ sổ thăm khám không cho gia đình bên nội biết.
Mặc dù những trận mưa đòn đã đi vào dĩ vãng, giờ đây T. được sống trong tình yêu thương của ông bà và họ hàng nhưng kí ức về những trận đòn roi, về những lần bị cha mẹ bỏ vào bao rồi dìm xuống ao, những lần bị bỏ lại một mình nơi nghĩa địa vẫn khiến Thu giật mình thon thót vào mỗi đêm. Tỉnh giấc sau những lần giật mình, tiếng rên đau thương đó của cháu, bà nội T. chỉ biết xót xa ôm chặt cháu vào lòng.
Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Đinh tâm sự: “Trong những giấc ngủ cháu hay bị giật mình, hai tay co lên run bần bật cùng với đó là những tiếng rên rỉ, tiếng ú ớ không rõ tiếng nghe đến não lòng. Thấy cháu như vậy, nước mắt của những người ở cái tuổi “gần đất xa trời” như chúng tôi cũng không thể kìm nén được”.
Nỗi ám ảnh bị bạo hành của một đứa trẻ đã thành vết đau với cả hai cụ. Dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vì không an tâm, luôn lo lắng cho cháu nên mỗi lần cháu T. đi học hay đi đâu xa hai ông bà đều thay phiên nhau đi cùng, khi ở nhà cũng phải luôn luôn kề bên, tránh không để cháu T. có những phút giây một mình, hoảng sợ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết – Trung tâm Bạo hành giới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết việc bạo hành trẻ em ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý đứa trẻ. Đó là tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Tổn thương về thể xác chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy. Còn tổn thương về mặt tinh thần được thể hiện như: trẻ hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, rối loạn tâm lý và cảm xúc; thu mình, sợ hãi hoặc hung hăng, chống đối, mất thăng bằng… |