Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11

Ngày 18/11/2015 00:09 AM (GMT+7)

"Vẽ báo tường quan trọng nhất là ý tưởng và hiểu được ý khách hàng", ông Quỳnh tâm sự.

Gặp họa sĩ Vũ Đức Quỳnh (SN 1944) tại ngôi nhà nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) khi ông đang cặm cụi hoàn thiện báo tường cho khách. Ông cho biết bản thân bén duyên với nghề vẽ báo tường khi là bộ đội chiến đấu tại Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn năm 1968.

Thời gian đó, những tờ báo tường do ông phụ trách có nội dung phản ánh cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của đồng đội. Bài thơ, truyện ngắn hay đơn giản chỉ là bức tranh kí họa cứ mỗi khi có dịp lại được những người lính đem ra chia sẻ trên tờ báo tường do ông thiết kế.

Sau khi xuất ngũ, ông đăng kí vào học tại khoa Thiết kế mỹ thuật Sân khấu (khóa 1) của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Ra trường, đồng lương ít ỏi từ nghề họa sĩ nhưng ông chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.

“Đến tuổi về hưu, áp lực cơm áo đè nặng, đồng lương không đủ; tôi mang giá, bút vẽ ra vỉa hè kiếm sống. Tranh chân dung, tranh sơn dầu, tranh phong cảnh,… ai đặt gì tôi nhận hết. Cho tới một ngày có nhóm học sinh tới nhờ vẽ báo tường dịp 20/11, tôi chính thức treo biển hiệu – “Nhận vẽ báo tường”. Tờ báo do tôi thiết kế giúp các cháu học sinh ấy đạt giải cao trong kì thi làm báo tường tại trường. Tiếng lành đồn xa, không chỉ học sinh, rất nhiều cơ quan, đoàn thể cũng tới đặt tôi làm”, ông Quỳnh chia sẻ.

Thông thường, thời gian để hoàn thiện một tờ báo tường của ông Quỳnh kéo dài từ 2 ngày tới một tuần, tùy theo yêu cầu của khách. “Vẽ báo tường quan trọng nhất là ý tưởng và hiểu được ý khách hàng. Mỗi sản phẩm có thể cùng một kích thước, một nét vẽ nhưng khi hoàn thiện, mỗi cái phải có màu sắc riêng. Báo tường làm cho học sinh có một kiểu măng xét, cho các cơ quan đoàn thể lại có cách thiết kế khác”, ông Quỳnh cho biết.

Gần nửa thế kỉ cầm bút vẽ, ông luôn đầu tư kĩ lưỡng cho từng tác phẩm. Ở tuổi ngoài thất tuần, nhiều khi ông phải thức thâu đêm hoàn thiện sản phẩm để không lỡ hẹn với khách hàng. “Càng ngày, nhu cầu thưởng thức của con người  càng cao. Muốn giữ được uy tín với khách, tôi thường xuyên mày mò, học hỏi để nâng cao “nét” vẽ”, ông Quỳnh tâm sự.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 1

Căn nhà nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) vừa là nơi ở vừa là "xưởng vẽ" của ông Quỳnh.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 2

Hàng ngày, ông vẫn miệt mài hoàn thiện từng sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 3

Vào những ngày lễ lớn như 26/3, 22/12,... ông vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 4

Nhưng đơn đặt hàng nhiều hơn cả là vào ngày 20/11.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 5

Chỉ cần bút chì, compa, bút màu,.. ông Quỳnh có thể ngồi hàng giờ bên bàn làm việc.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 6

Những vật dụng giản nhưng giúp ông Quỳnh hoàn thiện hàng trăm sản phẩm mỗi năm.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 7

Mỗi sản phẩm dù đơn giản hay phức tạp đều được ông Quang tâm đắc và thiết kế vô cùng tỉ mỉ.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 8

Những đơn hàng của khách được ông cẩn thận viết vào 1 cuốn sổ.

Gặp người hơn 20 năm vẽ báo tường ngày 20/11 - 9

Một sản phẩm của học sinh tiểu học đang được ông Quang hoàn thiện.

Nam Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11