Vụ tai nạn bất ngờ 9 năm trước đã cướp đi chân trái của Nguyên, dù cơ thể khiếm khuyết nhưng cô gái trẻ vẫn không từ bỏ, cố gắng làm việc và lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thị Nguyên (SN 1988 quê ở xã An Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về quê tìm một công việc ổn định để đỡ đần bố mẹ và 2 em nhỏ. Nào ngờ trong lúc đi làm, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến chân trái của Nguyên mãi mãi mất đi.
Tai nạn bất ngờ, dập tắt ước mơ của cô gái trẻ
Nghĩ lại thời điểm vào BV Đa khoa Thái Bình cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, chân trái đứt rời, chân phải bị dập nát dưới bánh container, Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Mình chỉ nhớ đang đi bình thường thì rầm 1 cái, mình ngã xuống bị cuốn vào gầm xe, mọi người xúm lại còn bảo con bé này chết rồi… Lúc đấy, mình vẫn còn chút tỉnh táo, cố gắng nói cháu chưa chết, cứu cháu với…”, Nguyên chia sẻ.
Hình ảnh của Nguyên trước khi xảy ra tai nạn mất đi chân trái 9 năm về trước
Sau tai nạn, Nguyên buộc phải cắt bỏ 1 chân, chân còn lại cũng phải thực hiện nhiều lần phẫu thuật. Hoàn cảnh nghèo khó, lại là chị cả được học cao hơn các em, Nguyên chính là niềm hi vọng của gia đình nhưng nay lại nằm một chỗ chờ phục hồi sức khỏe khiến những tháng ngày tiếp theo, cô gái trẻ rơi vào bế tắc.
Ước mơ được làm việc và phụ giúp gia đình của Nguyên dường như đã đóng lại. Nhìn thấy người mẹ vất vả ngày đêm chăm lo cho mình trên giường bệnh, Nguyên chỉ biết gục khóc.
"Mình nhớ rất rõ khoảnh khắc tỉnh lại sau cơn mê, khi biết mình không còn lành lặn, mình buồn lắm. Cảm giác hụt hẫng chỉ muốn biến mất đi. Nhưng nhìn bố mẹ già, nhìn 2 đứa em nhỏ, mình chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, cố gắng bất cứ giá nào cũng phải vượt qua, hướng về phía trước", Nguyên tâm sự.
“Nỗi đau nào rồi cũng qua, mình luôn tin vào những điều tốt đẹp”
Tự động viên chính bản thân mình và gia đình cùng nhau cố gắng, chỉ cần còn sống là còn hi vọng, Nguyên dần dà chấp nhận việc cơ thể mình không còn lành lặn như trước. Để có thể sống tiếp, những cuộc phẫu thuật lần lượt diễn ra. Chân trái bị đứt gần đầu gối nên các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lên trên đùi, riêng chân phải thì mất một phần xương bàn chân và hoại tử cạnh đó, phải thực hiện phẫu thuật ghép vạt da trên bả vai vào bàn chân phải.
Suốt quãng thời gian đó, Nguyên dùng xe lăn để di chuyển: “Sau đó mình phải tập đứng, tập đi bằng chân phải, nó đau khủng khiếp. Lúc tự điều khiển được chân rồi, mình được lắp chân giả nhưng mà tháo lắp khó quá nên được vài tháng, mình chuyển sang đi nạng luôn”.
Thoắt một cái đã 9 năm, Nguyên làm bạn với chiếc nạng, dù vết thương thỉnh thoảng vẫn còn đau nhức nhưng Nguyên lúc nào cũng lạc quan, tự tạo niềm vui, lý tưởng sống cho chính mình.
"Mình ở nhà đi lại nấu cơm thoải mái, quét dọn lau nhà thì có cái ghế 4 bánh tự chế. Khi nào cần đi chợ thì mình có thể đi xe đạp bằng 1 chân”, Nguyên vừa cười vừa nói về những sinh hoạt hàng ngày của mình.
Không chỉ việc nhà mà Nguyên còn chủ động tìm việc về làm để đỡ đần kinh tế cho bố mẹ. Nguyên làm may phụ kiện cho thú nhồi bông tại nhà. Người ta giao nhận hàng tận nơi, còn cho mượn máy may điện tử nên công việc cũng không vất vả.
“Mình có được ai chỉ bảo gì đâu, mình tự làm rồi tự học ở nhà đấy chứ. Mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu, đủ tiền ăn uống cho cả nhà rồi. Bố mẹ mình cũng già rồi, sức khỏe yếu. Bố làm nông với mấy sào ruộng, còn mẹ vẫn làm ở công ty. Vậy là mình không phế nhỉ? Vẫn phụ được bố mẹ mà”, Nguyên cười đầy lạc quan.
Có lẽ suốt 9 năm qua, dù không còn một cơ thể lành lặn, cũng chẳng thể nào đi tiếp ước mơ thời đại học nhưng với Nguyên, còn được sống, được làm việc, được cạnh bên bố mẹ và những người thân yêu là điều quan trọng nhất.
Cảm ơn Nguyên đã không từ bỏ mà vẫn tiếp tục bước đi, hướng về phía trước, lan tỏa năng lượng sống tích cực, tiếp thêm sức mạnh cho biết bao người, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật, kém may mắn.