Chị em chưa kịp vui vì giá thực phẩm giảm chưa được bao lâu thì đã lại quay ngược chiều vì “ăn theo” giá xăng.
Chưa kịp mừng đã lo
Hơn một tuần nay, chị Lan (trú tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi chợ cảm thấy yên tâm hơn hẳn vì giá cả thực phẩm và nhiều loại rau xanh đã giảm đáng kể.
So với sau Tết, su hào đã giảm giá tới một nửa, từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/củ xuống chỉ còn 2.000 đồng – 3.000 đồng/củ. Mức giá này đã giữ ổn định hơn hơn một tuần nay.
Nhiều loại rau xanh khác cũng giảm giá mạnh. Quả su su chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg, giảm tới gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm sốt giá rau trước đó.
Các loại thịt, cá cũng giảm giá từ 10.000 – 30.000 đồng mỗi kg. Thịt bò loại ngon chỉ còn 240.000 đồng – 260.000 đồng/kg tùy từng chợ, giảm từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg tùy theo chợ. Thịt lợn ba chỉ còn 80.000 – 85.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Sườn cũng giảm 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg, còn 90.000 đồng/kg.
Giá giảm khiến chi phí cho bữa ăn hàng ngày của các gia đình đỡ eo hẹp hơn. Chị Lan cho hay: “Khoản tiền dành mua thực phẩm của gia đình tôi chiếm tới gần 40% chi phí hàng tháng. Nếu mức giá như hơn một tuần qua ổn định thì tổng chi tiêu của gia đình tôi cũng giảm được vài trăm ngàn, là khoản khá đáng kể trong quỹ tiền lương ít ỏi của gia đình. Nhưng chưa kịp mừng thì giá xăng đã lại tăng cao như vậy, mà từ trước đến giờ chưa khi nào giá xăng tăng mà giá rau của, thịt thà đứng yên”, chị Lan nói.
Có thể té “giá” theo xăng
Khảo sát tại các chợ sáng ngày 30/3, hiện giá cả các loại rau xanh, thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn giữ mặt bằng chung của ngày trước đó và ngày tăng giá xăng (28/3). Tuy nhiên, mức này được giới tiểu thương dự báo là sẽ không giữ được bao lâu khi từ trước đến nay, giá thực phẩm “ăn” theo giá xăng đã thành quy luật.
Chị em nội trợ lo lắng giá thực phẩm tăng cao (Ảnh: Minh Vũ)
Chị Vũ Thị Minh, tiểu thương bán rau tại chợ Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cho hay, giá rau một tuần nay khá ổn định, nguồn cung rau các loại cũng đang rất dồi dào, người mua thì lại không tấp nập như trước. Tuy nhiên, không vì thế mà hy vọng giá rau, thực phẩm giữ được ổn định sau khi tăng giá xăng. “Kiểu gì cũng sẽ tăng theo, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm”, chị Minh nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay: hiện nay, sức mua của thị trường rất chậm, không doanh nghiệp hay siêu thị nào muốn tăng giá. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu đầu vào tăng, mức tăng lại tương đối lớn, ắt sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng theo và việc các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm là đương nhiên, khi đó giá cả thị trường sẽ tăng theo.
Đợt tăng giá xăng lần này, trong khi lương, thu nhập của người lao động hầu hết vẫn đang giữ nguyên hoặc giảm khiến nhiều gia đình và chị em lo lắng. Chị Mai Liên (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Nhà mình có hai bé, một bé 4 tuổi đi mẫu giáo nhưng mình vẫn cho ăn sáng ở nhà, một bé 1 tuổi rưỡi, coi như 1 ngày phải nấu 4 bát cháo, thì riêng tiền thức ăn của con đã hết 50.000 đồng/ngày. Chưa kể tiền sữa, tiền hoa quả, sữa chua, phô mai cho 2 đứa. Tính trung bình 50.000 tiền cháo của con 1 ngày vẫn còn thấy thiếu. Bây giờ giá xăng lại tăng đến hơn 1.300 đồng/lít, kiểu gì giá thực phẩm và các hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo, trong khi đó, ra Tết, công ty mình nhận được ít hợp đồng, việc ít, lương giảm, chi tiêu của gia đình càng eo hẹp hơn”.