Giải mã hiện tượng 'giếng thần' tự phun nước tại Phú Yên

Ngày 22/11/2014 10:03 AM (GMT+7)

Những ngày qua, người dân tại xã An Mỹ (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bàn tán xôn xao về hiện tượng, hàng loạt giếng khoan tại địa phương bỗng dưng tự động phun trào nước dữ dội. Hiện tượng hy hữu này khiến người dân tin chắc rằng, đây là những chiếc... giếng thần.

 Cá biệt có giếng nước đã tự động phun gần nửa năm trời mà không cạn nước. Mong muốn giải mã hiện tượng kỳ lạ này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã vào cuộc tìm hiểu.

Hàng loạt giếng khoan tự động phun nước dữ dội

Tại xã An Mỹ có rất nhiều giếng khoan đã tự động phun trào nước, khiến người dân nơi đây vô cùng bất ngờ. Điển hình như giếng nước của gia đình ông Hồ Văn Thương và ông Lê Văn Tưng (cùng ngụ xóm Cầu Sắt, thôn Phú Long, xã Mỹ An). Được biết, hơn 4 tháng qua, giếng khoan của gia đình ông Thương có hiện tượng nước từ lòng đất tự phun trào.

Theo quan sát, giếng nước có đường kính khoảng 20cm, độ sâu khoảng 24m. Điều đặc biệt, nước giếng tự động phun trào lên mặt đất mà không cần phải lắp đặt mô tơ để bơm lấy nước như những chiếc giếng khoan khác.

Ông Thương chia sẻ: “Đợt nắng hạn vừa qua, trong khi các giếng nước tại nhiều xã bị khô cạn thì giếng khoan này vẫn phun trào với sức phun khá mạnh. Mặc dù, 8 hộ dân xung quanh đã lắp đặt ống dẫn để đưa nước về nhà sử dụng và hàng ngày cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 100 hộ dân (thuộc hai xã An Mỹ và An Thọ) nhưng tôi vẫn phải lắp đặt thêm ống nước để thải bớt nước ra suối Thô hoặc các ruộng hoa màu gần đó nhằm hạn chế tình trạng giếng nước giếng nước phun trào gây áp suất cao, làm bể các đường ống dẫn nước”.

Cũng theo ông Thương, phần lớn hộ dân ở đây rất thích lấy nước tại giếng khoan này để sử dụng bởi nguồn nước tại giếng nước này khá dồi dào, sạch và mát hơn so với các giếng nước khác. Gia đình ông Thương cũng đang lo lắng, nếu vào mùa mưa, mạch nước tại giếng khoan này mạnh hơn thì khó có thể ngăn chặn được tình trạng các ống dẫn nước bị bể.

Giải mã hiện tượng #039;giếng thần#039; tự phun nước tại Phú Yên - 1

Giếng nước tự phun của nhà ông Thương

Cách đó không xa, giếng nước của gia đình ông Lê Văn Tưng cũng tự động phun trào. Chiếc giếng này được khoan ở dưới chân một quả đồi, cao hơn mặt đường khoảng 3m, chi phí khoảng 8 triệu đồng. Ông Tưng cho biết, giếng được gia đình đặt thợ khoan vào giữa tháng 10/2014.

Khi khoan đến độ sâu 24m, bất ngờ nước từ dưới lòng đất phun trào theo đường khoan, vọt cao khoảng 3m. Ban đầu, gia đình ông dự định lắp đặt mô tơ điện và ống dẫn nước để hút nước lên hồ chứa của gia đình cao gần 4m, cách giếng 25m. Tuy nhiên, do áp lực nước quá mạnh, gia đình ông đã không cần mua các thiết bị này nữa mà lắp thêm 3 van nước để sử dụng trước sân nhà, lắp đường ống dẫn nước chạy thẳng lên bể chứa cao phía trên và cho các hộ lân cận sử dụng thoải mái. Khi không có người sử dụng, ông phải xả nước ra vườn để tránh vỡ đường ống.

Theo chia sẻ của ông Tưng, khi thợ khoan được 8m thì gặp đá nên phải dùng mũi khoan lớn, sắc nhọn để khoan. Khi khoan xuống độ sâu 24m, bỗng dưng nước từ dưới lòng đất phun trào lên cao khoảng 3m trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Giếng nhà bà Đoàn Thị Hoan cách giếng này chừng 30m nhưng thường xuyên bị cạn nước, phải mua đường ống dài 30m để dẫn nước từ giếng khoan nhà tôi sang. Chỉ sau một đêm, giếng nhà bà Hoan đã được bơm đầy nước. Điều này chứng tỏ, lượng nước ở đây rất dồi dào và lực phun rất mạnh”, ông Tưng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ UBND xã An Mỹ, nơi tập trung dày đặc các giếng khoan tự phun trào cho biết: “Chính quyền xã đã nắm được một số tin đồn thất thiệt liên quan đến việc nước giếng phun trào. Trong thời gian tới, xã sẽ tiến hành các buổi tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ bản chất khoa học của hiện tượng nói trên, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi”.

Điều đáng nói, giếng nước của gia đình ông Tưng và ông Thương chỉ cách nhau chừng 100m về hướng tây và đều có hiện tượng tự phun trào. Nước của hai giếng đều có đặc điểm không màu, không mùi, không vị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 2 gia đình và hàng trăm hộ dân lân cận. Tuy nhiên, giếng nước của gia đình ông Thương đã tự động phun trào gần nửa năm nay mà không cạn nước. Khi được chứng kiến hiện tượng kỳ lạ này, nhiều người dân ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) vô cùng ngạc nhiên bởi trong phạm vi một thôn mà có tới 2 chiếc giếng phun nước tự động.

Chỉ là hiện tượng tự nhiên

Việc xuất hiện của giếng phun nước tự động tại thôn Phú Long (xã An Mỹ) đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Một số tờ báo điện tử đã đưa tin và nhận định, đây là hiện tượng bất thường. Chính vì thế, một số người dân hiếu kỳ ở các xã lân cận đã tìm đến để được tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ lạ này. Chưa dừng lại ở đó, trong dư luận còn xuất hiện một số lời đồn đoán mang màu sắc mê tín dị đoan. Có người cho rằng, đây là những giếng nước bí ẩn, tự phun nước khi có thế lực siêu nhiên nào đó tác động vào.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của cơ quan chức năng và một số tài liệu khoa học, có thể khẳng định, giếng nước tự động phun nước là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Trước đây, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đã từng khoan thăm dò để thực hiện xây dựng các công trình cấp nước cho nhân dân ở hai xã An Hòa và An Mỹ (huyện Tuy An) cũng có hiện tượng nước tự phun lên. Hiện nay, các giếng khoan thăm dò này vẫn được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên theo dõi.

Giải mã hiện tượng #039;giếng thần#039; tự phun nước tại Phú Yên - 2

Rất đông người dân tận dụng nguồn nước giếng tự phun trào

Đại diện Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên cho biết, hiện tượng nước tự phun là do áp lực tự nhiên, khi khu vực thôn Phú Long nằm trên một dải nước ngầm lớn. Một số mũi khoan thăm dò và giếng khoan của nhiều hộ dân lân cận đã không gặp mạch nước ngầm lớn nên không tự phun. Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT Phú Yên), cho biết: “Hiện tượng nước tự phun là do áp lực tự nhiên. Theo đánh giá của tổ chức JICA (Nhật Bản) thì khu vực xã An Mỹ nằm trên một dải nước ngầm lớn. Tổ chức này đã khoan 2 mũi thăm dò tại khu vực Nhà máy lắp ráp ô tô JRD ở gần đó nhưng không gặp mạch nước ngầm lớn.

Vì vậy, nhiều khả năng giếng nước của gia đình ông Thương và ông Tưng nằm trong dải nước ngầm này. Nghiên cứu và khai thác nước ngầm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ của tổ chức JICA cho thấy, lượng nước ngầm tại xã An Mỹ tương đối lớn. Chỉ cần đặt 2 đến 3 giếng khoan cách nhau 500m (về phía thung lũng) thì có thể khai thác được lượng nước là 1382m3/ngày đêm, đủ nước sinh hoạt cho hàng trăm người dân xã này. Trong thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ phối hợp với ngành y tế lấy mẫu nước để kiểm nghiệm các chỉ số hóa, lý từ 2 giếng khoan để kiểm tra chất lượng nước có đảm bảo an toàn hay không? Trước mắt, nước ở đây trong, không màu, không mùi, không vị. Theo khái niệm nước hợp vệ sinh thì các hộ dân có thể sử dụng ăn uống bình thường thông qua đun sôi. Về lâu dài, cần lấy mẫu nước xét nghiệm các chỉ số hóa, lý để có kết luận chính xác nhất về độ an toàn của nguồn nước”.

Nhiều người lý giải rằng, những chiếc giếng này khoan trúng một túi nước chứa khí áp lực cao. Khi khoan làm thủng nền đá là túi chứa nước. Chính áp lực khí bị nhốt cùng túi nước đã đẩy cột nước lên. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng nước phun này là do khoan giếng sai kỹ thuật, có thể làm cạn mực nước ngầm trong khu vực, đặc biệt là ở những nơi cao hơn khu vực này. Nếu khai thác nhiều, mực nước ở những nơi cao hơn sẽ hạ thấp dần theo thời gian. Vấn đề ở đây là làm sao duy trì và ổn định nguồn cấp, nếu như cứ thấy nước nhiều rồi dùng vô tội vạ thì lâu dài sẽ không tốt cho nền địa chất trong khu vực vì sẽ làm thay đổi cấu trúc của lớp chứa nước.

Trước sự lo lắng của các gia đình có giếng nước tự phun về việc nước sẽ phun mạnh vào mùa mưa và ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, ông Hồ Hữu Như cho biết: “Lượng nước sẽ phun mạnh hơn nhưng không nhiều so với hiện tại. Chúng tôi sẽ có kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh để hỗ trợ gia đình một số thiết bị như: đồng hồ đo áp lực, ống dẫn nước… để đảm bảo an toàn. Nếu có điều kiện, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên sẽ khảo sát, đánh giá lượng nước và chất lượng nguồn nước để phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cấp nước cho các hộ dân xung quanh”.    

Theo Lê Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự