Trong những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin về phương pháp chữa bệnh của một người được gọi là “cô" Phú, chữa cho bệnh nhân bằng cách giẫm chân lên người để "truyền năng lượng vào người bệnh".
Chúng tôi đã tìm về Thái Nguyên, nơi “cô” Phú thực hiện phương pháp "truyền năng lượng" cho nhiều người bệnh, đồng thời đã có cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng địa phương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Những hình ảnh được chia sẻ với mức độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.
Dân địa phương không bao giờ đến
Ngày 14/9, để tìm hiểu về thông tin “cô” Phú chữa bệnh bằng cách giẫm chân lên người, truyền năng lượng cho người bệnh đang được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, phóng viên đã về xã Vinh Sơn (Thành phố Sông Công – Thái Nguyên) để ghi nhận tình hình thực tế.
Khi đến xã Vinh Sơn hỏi về thông tin và địa chỉ nhà “cô” Phú thì người nào cũng đều nắm rõ trong lòng bàn tay và nói vanh vách chỉ địa chỉ nhà cô.
Chia sẻ với phóng viên về “cô” Phú, bác T. (58 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Chú ở tỉnh khác đến chữa bệnh à? Nhà “cô” này chỉ chữa bệnh cho người ở xa đến thôi, người trong xã thậm chí là cả thành phố này có ai đến chữa đâu.
Bác T. cho biết: "Người dân địa phương không ai đến".
Tôi chưa đến chữa và cũng chưa đến “tham quan” nhà bà ấy bao giờ cả, nhưng nghe nói bà ấy chữa được tất cả các loại bệnh mà không cần dùng thuốc. Giỏi với thiên hạ là vậy, nhưng người nhà của họ mắc bệnh có chữa được đâu”.
Còn bác P.V.Q, người dân ở gần nhà “cô” Phú, cho biết “cô” Phú bắt đầu dùng "khả năng đặc biệt" của mình "giúp đỡ" cộng đồng từ năm 2004. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, bệnh nhân từ các tỉnh về đây rất đông, ô tô xếp hàng dài ở lối dẫn vào nhà. “Trước đây cô Phú chữa bệnh tại nhà nhưng mới chuyển sang địa điểm mới vài năm nay. Có ngày đông thì 500-600 người đến chữa bệnh” - ông Q. cho biết.
Điểm hành nghề của "cô" Phú ở xã Vinh Sơn (TP Sông Công).
Để có thông tin chi tiết hơn, phóng viên trong vai người bệnh đã vào trực tiếp nơi “cô” Phú truyền năng lượng cho những người bệnh. Theo quan sát của phóng viên, tại đây “cô” Phú dành một khoảng sân rất rộng, có rèm che xung quanh để làm nơi hành nghề.
Ngoài ra, phía trong nhà cũng được bố trí những khoảng không rộng cho người bệnh đến chữa, tuy nhiên qua hỏi thăm những người bệnh ở đây thì được biết, đây chỉ là nơi dành cho những người bị bệnh nặng.
Rất nhiều người ngồi đợi "cô" Phú tại cơ sở Ban Mai để được xoa bóp trong ngày 15/9.
Tại thời điểm phóng viên có mặt tại cơ sở nhà “cô” Phú, rất đông người bệnh đang trực chờ ở trên nhà và dưới cổng. Tuy nhiên, các nhân viên tại đây cho biết: “Cô bận, không biết khi nào mới về”.
Trước thông tin từ phía nhân viên của “cô” Phú, phóng viên đã ra về và hẹn hôm khác đến, đồng thời, liên hệ với chính quyền địa phương trực tiếp đến cơ sở để yêu cầu làm việc. Tuy nhiên, khi ông Lê Quốc Hưng – Trưởng Công an xã Vinh Sơn đến làm việc, các nhân viên vẫn một mực cho biết: “Không biết cô đi đâu và cô không có điện thoại nên không thể liên lạc”.
Nghe đồn và đến
Theo chia sẻ của những người bệnh tại cơ sở được có tên Ban Mai của “cô” Phú, họ biết đến cơ sở này là do những thông tin được truyền tai. Theo đó, những người sau khi đến để chữa những căn bệnh nan y, khi về lại giới thiệu cho những người khác, vì thế những người đến đây để “nhờ cửa cô” ngày càng nhiều.
Những người đến cơ sở này đều nghe theo những tin đồn.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu nhà trọ, nơi những bệnh nhân của “cô” Phú hàng ngày phải “ăn trực, nằm chờ” đợi đến ngày điều trị, anh Quý (quê Hưng Yên) cho biết, nghe lời mách bảo của người thân, anh đến đây chữa bệnh đã năm ngày, đã được cô “truyền năng lượng” ba lần.
“Mặc dù đã nghe qua nhưng lần đầu tiên thấy cô chữa cũng hơi lo sợ vì cách chữa rất lạ. Mọi người nằm xuống sân, cởi bỏ áo, chỉ mặc một chiếc quần nhỏ kéo xuống qua mông. Sau đó cô đi trên lưng truyền năng lượng lên người bệnh” - anh Quý kể lại.
Cô Nguyễn Thị L. (Sơn Tây, Hà Nội) đưa cậu con trai 30 tuổi bị tâm thần đến “nhờ cửa cô” đã ba ngày. Cô L. cho biết cách đây bốn năm, con cô bị trầm cảm, sau đó đi chữa ở nhiều bệnh viện nhưng không thuyên giảm.
Những người đến điều trị phải thuê trọ ở lại hàng tuần, hàng tháng trời.
“Ngày đầu tiên đến đây chữa, tôi thấy có bốn, năm người hỗ trợ cầm tay chân rồi quay bảy vòng, những ngày sau quay ba vòng. Sau khi quay thì cho dựng ngược, cho đầu vào chậu nước gừng mà cô đã dùng năng lượng truyền vào nước, sau đó cô xoa đầu. Xoa xong cô vỗ ba phát vào đầu. Cô làm mấy phút là xong” - cô L. tả lại.
Còn ngay tại cổng cơ sở, anh Huy (34 tuổi, quê Lạng Sơn) chia sẻ: “Trước đây tôi bị bệnh hen phế quản, đã đi chữa nhiều nơi, nhiều bệnh viện kể cả bệnh viện Bạch Mai, tốn vài trăm triệu, thậm chí bán cả nương để đi chữa mà không khỏi.
Hiện tại, tôi rất khó thở vì thế khi nghe tin “cô” Phú chữa được bách bệnh nên tôi đã tìm đến đây, hy vọng là khỏi bệnh”.
Không chỉ có những người dân, tại cơ sở này còn đón nhận những nghệ sĩ nổi tiếng đến điều trị. “Tôi có bệnh thì vái tứ phương, lại là bệnh nan y, nên cứu đều đặn hàng tuần đến nhà cô. Không biết thực hư thế nào, chứ tinh thần cũng thấy rất thoải mái, dễ chịu mỗi lần đi về”, một nghệ sĩ đã từng đến “nhờ cửa cô” chia sẻ.
Theo lời nghệ sỹ này thì, hàng trăm người bệnh từ các tỉnh, thành khác còn đi từ tối hôm trước, sau đó ngủ lại Thái Nguyên và sáng sớm vào xếp hàng chữa bệnh. Về chi phí khám chữa bệnh, không có một giá nào cả. Hoàn toàn là tùy tâm.
Thùng để tiền lễ "tùy tâm" trong nhà "cô" Phú.
GĐ Trung tâm Y tế TP Sông Công: Không thể giẫm chân mà chữa được ung thư
Bà Vũ Thị Thu Hải – Phó Chủ tịch HĐND xã Vinh Sơn cho biết, phía UBND xã có biết cơ sở này, vì cơ sở này đóng trên địa bàn xã. “Theo tôi được biết bà Phú trước kia là nhà ngoại cảm, có giấy xác nhận gì đó của Viện nghiên cứu tiềm năng con người”, bà Hải nói.
Bà Hải cho biết: “Bản thân bà Phú là người địa phương (người ở TP Sông Công), trước đây bà là người buôn bán (đi chợ, bán cá). Theo người dân kể, sau một lần đi chợ bị ốm nặng sau đó khỏi ốm thì hành nghề này. Còn việc có đi học về những kiến thức đang làm hay không phía chính quyền không nắm được”.
Theo bà Hải, trước đây bà Phú hoạt động ở phường Thắng Lợi, sau đó vì nhiều lý do nên đã mua đất và chuyển vào xã Vinh Sơn hành nghề. Nghe nói là có giấy tờ kinh doanh của thành phố cấp.
Còn về phía cơ quan y tế, chia sẻ với phóng viên, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Quang Lưu – GĐ Trung tâm Y tế Thành phố Sông Công khẳng định: “Hiện tại, cơ sở của bà Phú có giấy phép đăng ký kinh doanh tẩm quất và kinh doanh ăn uống do phòng Tài chính Kế hoạch của Thành phố cấp”.
Theo ông Lưu, tại đây có nhiều dấu hiệu khác thường khi nhiều người ăn trực nằm chờ ở đây hàng tuần. Trước những dấu hiệu bất thường đó, phòng đã họp nhiều lần, nhưng khi đến họ lại đưa ra giấy nghiên cứu tiềm năng con người.
Nói về hướng xử lý, ông Lưu cho biết: “Để xử lý dứt điểm thì rất khó, vì họ có giấy phép đăng ký là cơ tẩm quất. Muốn xử lý được để người dân không tiền mất, tật mang thì phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, chứ không chỉ riêng ngành y tế”.
Cuối cùng, ông Lưu cũng khẳng định: “Với cách làm này, tôi khẳng định không thể chữa khỏi được bất kể bệnh gì. Không thể giẫm chân mà chữa được ung thư, như vậy là phản khoa học.
Bản thân tôi cũng rất bức xúc chuyện này, và quan điểm của tôi là không tiếp tay vì đây chỉ là trò mỵ dân, đánh vào lòng tin của người dân”.
Mời các bạn đọc bài Ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về phương pháp "giẫm lên người bệnh chữa ung thư": Giẫm chân chữa bệnh ung thư: Chỉ là trò lừa bịp người bệnh