Tại Trung Quốc, một cặp Rùa Hoàn Kiếm đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 và cho khoảng 150 trứng mỗi năm. Tuy nhiên, không một quả trứng nào trong số đó nở thành công.
Trong tài liệu nghiên cứu của Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học: Rafetus swinhoei) xuất phát từ Trung Quốc. Tại đất nước này, một cặp rùa đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 và cho khoảng 150 trứng mỗi năm. Tuy nhiên không một quả trứng nào trong số đó nở thành công. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tất cả trứng rùa đều không được thụ tinh dẫn đến nghi ngờ khả năng con rùa đực có vấn đề. Các nhà khoa học Trung Quốc và thế giới thậm chí đã tiến hành đặt bẫy tại một vài khúc trên sông Hồng ở tình Vân Nam của Trung Quốc nhằm cố gắng tìm kiếm thêm những cá thể mới nhưng vẫn chưa thu được kết quả.
Vào thời điểm đó, một trong những nỗ lực để xác định số lượng rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, ATP đã kết hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội và Liên minh bảo tồn rùa (TSA) của Mỹ sử dụng một kỹ thuật mới được gọi là lấy mẫu DNA từ môi trường - environment DNA (eDNA). Phương pháp này được sử dụng để xác định DNA từ các cá thể rùa trong các mẫu nước lấy từ hồ tại các vùng rùa đã từng xuất hiện, từ đó hi vọng có thể tìm được những cá thể rùa từ các địa bàn khác phục vụ cho việc nhân giống trong tương lai.
Rùa Hoàn Kiếm có tên khoa học là Rafetus swinhoei và từng được nhân giống tại Trung Quốc nhưng không thành công.
Ông Timothy McCormack Giám đốc ATP cho biết: "Rùa Hoàn Kiếm hiện nay rất hiếm trong tự nhiên nhưng chúng vẫn có thể tồn tại ở một nơi nào đó ở Việt Nam và rất khó phát hiện. Các cá thể rùa với số lượng rất ít sống trong những hồ rộng lớn thì việc bắt gặp và xác định được là rất khó khăn. Trong trường hợp không tìm được những cá thể khác ngoài tự nhiên ở Việt Nam, việc ghép đôi sinh sản với cá thể rùa ở Trung Quốc có thể là cơ hội cuối cùng để bảo tồn và gìn giữ một trong những loài rùa đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”.