Từ 21h ngày 18/02 đến 2h ngày 19/02, cấm các loại xe ô tô tải (loại trên 500kg), xe khách (loại 16 chỗ trở lên) lưu thông trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Quốc lộ 5 kéo dài đến cầu Nhật Tân), Võ Chí Công, cầu Nhật Tân, Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân La, An Dương Vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân,...
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hôm nay (18/2), toàn quốc xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 39 người. So với ngày 30 Tết năm ngoái, tăng 8 người chết.
Ngày 18/02/2015 số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận đã giảm đáng kể so với những ngày trước, cụ thể đã có 30 cuộc gọi và 1 tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh chủ yếu về hoạt động vận tải hành khách, xuất hiện một số điểm ách tắc cục bộ; thắc mắc về tuyến và giờ xe chạy, xin trả lại vé; nội dung tin nhắn phản ánh về việc xuất hiện hiện tượng xe quá tải. Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Chiều 17/02 và sáng 18/02, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, do phần lớn người dân đã về quê ăn Tết nên mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình. Cùng với đó, tại các bến xe, nhà ga giao thông đi lại đã dễ dàng, trong bến cũng chỉ còn một lượng nhỏ hành khách bắt tàu, xe về quê ăn tết. Năm 2015 đã xuất hiện dịch vụ xe hợp đồng đưa sinh viên về quê ăn tết tại các trường đại học, đây là một dịch vụ được đánh giá rất cao với giá vé hợp lý, không có tình trạng nhồi nhét, đồng thời giảm tải đáng kể áp lực vận chuyển hành khách tại các bến xe.
Hà Nội cấm nhiều tuyến đường trong đêm giao thừa (Ảnh minh họa)
Riêng tại Hà Nội, giống như mọi năm, tình trạng ùn ứ tại tuyến đường Yên Phụ dẫn đến chợ hoa Quảng Bá – Hà Nội vẫn diễn ra, nguyên nhân là do lưu lượng người và phương tiện dồn về khu vực này để mua hoa chơi tết quá đông, cùng với đó là ý thức của người tham gia giao thông còn thấp, tình trạng lấn làn diễn ra rất phổ biến. Lực lượng cảnh sát giao thông đã được bố trí thường xuyên tại các điểm giao cắt của khu vực này để điều tiết giao thông nên khu vực này đã không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật TTATGT diễn ra khá phổ biến. Xuất hiện tình trạng taxi không nhận chở khách đi trong nội thành hay đi quãng ngắn, nguyên nhân là do nhiều gia đình ngoại tỉnh thuê xe taxi về quê hoặc ra sân bay nên nguồn taxi trong nội thành giảm đáng kể, ngoài ra các lái xe muốn tìm những cung đường dài, cước phí lớn, tránh được các điểm ùn tắc, tốn thời gian, cước phí thấp trong nội thành
Đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đã công bố phương án phân làn, phần luồng để đảm bảo TTATGT trong đêm giao thừa.
Tại Hà Nội, các phương tiện không được phép lưu thông trên cầu Nhật Tân từ 23h45 ngày 18/02 (tức đêm 30 tháng Chạp) đến 1h ngày 19/02 (mùng 1 tết). Từ 21h ngày 18/02 đến 2h ngày 19/02, cấm các loại xe ô tô tải (loại trên 500kg), xe khách (loại 16 chỗ trở lên) lưu thông trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Quốc lộ 5 kéo dài đến cầu Nhật Tân), Võ Chí Công, cầu Nhật Tân, Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân La, An Dương Vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Nghi Tàm, Thanh Niên.
Trong các khung giờ cấm lưu thông như trên, các phương tiện di chuyển từ phía Bắc đến phía Nam thành phố và ngược lại có thể di chuyển theo hướng đường Võ Văn Kiệt qua Cầu Thăng Long đến đường Phạm Văn Đồng và đi bằng đường cao tốc trên cao. Người điều khiển phương tiện có thể đi đường Võ Nguyên Giáp trên Quốc lộ 5 kéo dài để đi cầu Đông Trù, tới Quốc lộ 5 đến cầu Thanh Trì.