Giờ đây, hai bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước: Lan Anh – Ngọc Yến đã lớn khôn, rất lém lỉnh và bắt đầu đi học lớp 1.
Hơn 2 năm trước, chúng tôi tìm về xóm nhỏ nơi gia đình anh Vũ Đình Khiên (42 tuổi, TX Bình Long) – bố của hai bé gái trong vụ trao nhầm con ở Bình Phước năm 2012 sinh sống. Ngày ấy, cả nhà anh cùng “vật lộn” với việc giúp bé Lan Anh (con ruột) và Ngọc Yến (đứa con gái đã nuôi dưỡng từ lúc còn đỏ hỏn) hòa nhập vào cuộc sống mới.
Nhờ sự cố gắng hết sức của hai gia đình, giờ đây bé Lan Anh – Ngọc Yến đã có da có thịt, cao lớn hơn và rất lém lỉnh. Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, hai bé đã bắt đầu bước vào lớp 1, trở thành học sinh tiểu học.
“Nuôi 3 đứa con ăn học, vợ chồng tôi phải cố gắng nhiều”
“Tôi từng đưa Lan Phương (9 tuổi, con gái đầu) đến trường khai giảng lớp 1 nhưng không hiểu sao lần này vẫn lâng lâng khi nghĩ đến ngày tựu trường của Lan Anh và Yến.
Những năm qua, cuộc đời hai đứa xảy ra quá nhiều xáo trộn. Vì thế tôi luôn hy vọng các con lớn khôn rồi khao khát một ngày được nhìn chúng dắt tay nhau đến trường. Tôi sắp được chứng kiến thời khắc quan trọng ấy của con thật rồi”, anh Khiên không giấu nổi xúc động, đôi mắt bỗng đỏ hoe.
Anh Khiên cho biết, ngày 5/9, hai cô con gái của anh sẽ tham dự buổi khai giảng đầu tiên trong đời. Trước đó, cả hai đã đến trường học những buổi đầu tiên, làm quen với thầy cô, bạn bè và những nét chữ, con số.
“Các con đã đi học được một tuần, dần quen với mọi thứ nhưng vẫn háo hức với buổi khai giảng. Mấy hôm trước, Lan Anh đã bảo mẹ giặt thật sạch đồng phục, Yến thì sắp xếp sách vở trong cặp rất cẩn thận. Chúng còn cùng nhau múa hát bài Đi học cho cả nhà xem”, anh Khiên kể.
Nói đoạn, anh bỗng vui vẻ khi nhắc đến bé Lan Anh. Anh kể, nếu 2 năm trước bé chỉ hòa nhập chừng 70 -80% với gia đình thì giờ là 100%. Bé đã thân quen với việc có hai bố mẹ, hai ông bà ngoại, chị gái và cả em gái. Đặc biệt, bé không yếu ớt, suy dinh dưỡng nặng như hồi mới về ở với bố mẹ ruột. “Chúng nó yêu thương nhau, đi đâu – ăn gì cũng có nhau”, anh nói.
Nhìn các con chăm ngoan, vợ chồng anh Khiên hạnh phúc lắm. Nhưng sâu thẳm bên trong, anh chị vẫn trăn trở một nỗi lo: Làm sao có đủ tiền để lo cho 3 đứa con gái? Anh bảo trước kia đi theo công trình xuống tận Đồng Nai, Bình Dương kiếm được kha khá. Nhưng từ ngày gặp tai nạn, anh không thể tiếp tục theo nghề xây dựng nên kinh tế cũng eo hẹp.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của em gái, anh Khiên sắm chiếc xe ba gác chở đồ thuê cho bà con trong xã. "Giờ tôi cứ túc tắc chạy ngày dăm ba chuyến hoặc ai thuê gì thì làm nấy. Thực sự, cùng lúc nuôi 3 đứa con ăn học, vợ chồng tôi phải cố gắng rất nhiều”, anh chia sẻ.
Chồng vừa dứt lời, chị Trang nhanh nhảu: “Nhiều lúc, tôi muốn đi làm phụ giúp chồng kiềm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng… tôi để 3 đứa ở nhà lại không yên tâm. Chúng đã đến tuổi đi học, cần có mẹ ở nhà tắm rửa, cơm nước và đưa đón mỗi ngày. Tôi với chồng thay phiên nhau kèm cặp, thúc giục 3 đứa học bài nữa”.
“Hai gia đình vẫn qua lại, lũ trẻ thường xuyên vào trong bản chơi”
Nhớ lại 5 năm trước, anh Khiên cho hay, cuối năm 2012, vợ anh với chị Liên (26 tuổi) sinh hai bé gái cùng ngày cùng giờ tại Bệnh viện Đa khoa Bình Long và bị trao nhầm con.
Sau 9 tháng nuôi nấng, anh thấy con không giống ai trong nhà nên sinh nghi nhưng chỉ dám để bụng. Đến tháng 5/2016, bố vợ anh đi bán bánh mỳ dạo tình cờ thấy một bé gái con người dân tộc giống đứa con đầu của anh. Ông đã về nhà thông báo và thuyết phục hai vợ chồng mang bé Ngọc Yến đi xét nghiệm ADN.
Kết quả cho ra hai bố con anh không cùng huyết thống. Vợ chồng anh liền khiếu nại bệnh viện, đồng thời đề nghị xét nghiệm ADN con gái của chị Liên, mới biết hai bên bị trao nhầm con suốt 4 năm qua.
Khi xảy ra sự việc, đại diện bệnh viện đã gặp mặt xin lỗi, bồi thường mỗi gia đình 20 triệu đồng và yêu cầu trao trả các bé cho bố mẹ ruột. Anh bảo đến nay vẫn không thể quên được giây phút hai đứa trẻ gào khóc chia tay bố mẹ nuôi.
“Lúc lên xe về bản Sóc với mẹ ruột, bé Yến khóc nức nở khiến hàng xóm không kìm được nước mắt. Còn vợ chồng tôi phải tránh mặt, sợ con nhìn thấy. Vậy mà, nó vẫn gọi tìm “Ba mẹ ơi! Con thương ba mẹ sao nỡ bỏ con”. Cuối cùng, tôi phải bế con bé vào trong đó.
Đến nơi, tôi vờ đưa nó cho dì mang đi tắm rồi tranh thủ đón con mình về. Khi ấy, con bé cũng khóc dữ, không chịu rời mẹ Liên”, anh Khiên nhớ lại.
Thấy tình hình không ổn, nhất là lo sợ các con ảnh hưởng tâm lý sau này, hai gia đình đã bàn bạc và quyết định cho các con về sống chung, luân phiên mỗi nhà một tuần. Tuy nhiên, dạo gần đây để thuận tiện cho việc học của các con, thi thoảng anh Khiên mới chở lũ trẻ vào bản chơi.
“Hè vừa qua, tôi chở các con vào trong bản chơi. Thậm chí, vợ tôi sợ các con thiếu cái ăn nên cứ vài ngày lại giục tôi vào thăm con, nhân tiện đem thịt cá đến. Hai gia đình chúng tôi vẫn qua lại, hỏi thăm nhau thường xuyên. Nhà trong đó không có điều kiện bằng ngoài này nên chúng tôi cũng không yêu cầu họ trợ giúp gì. Chúng tôi chỉ mong hai đứa luôn mạnh khỏe và chăm ngoan học giỏi”, người đàn ông nói.
Sắp tới, khi các con vào học chính, vợ chồng anh Khiên lại tốn thêm một khoản tiền lớn để đóng học phí cho 3 cô con gái. Ngoài ra, anh cần mua thêm cho các con quần áo mới, giày dép, sách vở,… Anh bảo khó đến mấy cũng cố gắng để các con có cuộc sống đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa.