Yanomami là bộ lạc nguyên thủy vùng Amazon vẫn còn giữ nhiều hủ tục, một trong số đó là ăn tro cốt người chết.
Bộ lạc người da đỏ
Yanomami là bộ lạc người da đỏ thuộc rừng nhiệt đới Amazon với dân số khoảng 38.000 người, trong đó, khoảng 22.000 người ở Brazil và 16.000 người phân bố rải rác ở Venezuela. Một vài nhóm Yanomami sử dụng vật liệu kim loại và vải vóc từ thế giới bên ngoài nhưng phần lớn vẫn theo lối sống hoang dã và chối tiếp cận với nền văn minh hiện đại.
Không gian sinh sống tạm bợ
Mỗi nhóm Yanomami thường là một đại gia đình nhiều thế hệ với khoảng 50-400 người, phân chia không gian và sống thành một ngôi làng dưới mái nhà chung shabono.
Shabono là một quần thể có hình bầu dục hoặc tròn, được làm từ nguyên liệu thô sơ của rừng nhiệt đới như lá cây, dây leo, gỗ nên rất dễ bị mục nát do tác động của thời tiết và côn trùng. Bởi thế, cứ mỗi 4-6 năm, shabono sẽ được dựng mới.
Văn hóa canh tác lạc hậu
Người Yanomami theo văn hóa canh tác dịch chuyển, phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên rừng mưa nhiệt đới. Cuộc sống của bộ tộc Yanomami không khác mấy so với thời nguyên thủy, từ việc thu lượm hoa quả, rau củ, đi săn bắt thú rừng và cá để làm thức ăn hàng ngày. Khi đất canh tác cạn kiệt màu mỡ, họ lại chuyển qua vùng đất mới.
Kỹ thuật săn bắn nguyên thủy
Bộ tộc Yanomami có kiến thức tự nhiên sâu rộng. Khoảng 500 loại thực vật khác nhau được sử dụng để chế biến từ thức ăn đến các loại thuốc. Họ điều chế độc dược tự nhiên bằng cách nghiền nát một số loại thực vật và cây nho để hút hết oxy của nước khi thả xuống sông, suối và khiến tôm cá chết ngạt, nổi lên. Họ sử dụng những loại thức ăn này mà không hề hấn gì, nhưng nếu khách du lịch đến đây mà ăn phải thịt của những con vật này hầu như đều bị trúng độc mà chết. Một trong các nguồn thực phẩm độc đáo khác là ấu trùng.
Mặc dù người Yanomami có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng họ không bao giờ săn bắt chim ưng, khỉ và rái cá. Họ tin rằng linh hồn đàn ông sau khi chết sẽ đầu thai thành chim ưng và khỉ, còn phụ nữ thành rái cá. Nếu như người nào đó giết chết một con rái cá nghĩa là một phụ nữ hoặc đứa trẻ nhỏ của bộ lạc sẽ chết sớm. Vì vậy, họ rất cẩn thận và cố gắng để không phạm phải điều cấm kỵ khi đi săn bắn thú rừng.
Món ăn của người Yanomami không có muối nên nếu được cho muối, họ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thèm khát nó giống như mật ong hay đường. Người dân bộ lạc này cũng thích hút thuốc và nhai thuốc lá vào những dịp có lễ hội.
Ăn mặc “kiệm vải”
Ở bộ tộc này, cả đàn ông và phụ nữ đều ở trần và chỉ che phần cơ thể nhạy cảm bằng một mảnh vải nhỏ màu đỏ. Để tăng phần hấp dẫn, họ trang trí cơ thể bằng những hình vẽ kỳ dị. Một vài người sử dụng lông chim làm phụ kiện. Đặc biệt, người Yanomami còn xiên những chiếc đũa tre qua mũi, cằm hay miệng những dịp lễ quan trọng.
Tục lệ ma chay đáng sợ
Bộ lạc Yanomami có hủ tục man rợ là ăn tro cốt người chết với quan niệm giữ gìn sự đoàn kết của bộ lạc. Họ tin vào sự tồn tại của linh hồn, đưa phần còn lại của người đó vào trong cơ thể người sống để linh hồn tồn tại mãi mãi.
Khi một thành viên trong bộ tộc qua đời, xác của họ sẽ được quấn bằng lá, đặt trong rừng, cách xa shabono, trong khoảng 30-45 ngày, để giòi bọ ăn hết phần da thịt. Sau đó, người ta nhặt xương, hỏa táng thành tro để linh hồn người chết chỉ có thể siêu thoát và được cứu rỗi. Trong lúc hỏa táng, cả bộ tộc sẽ bôi đen khuôn mặt, cùng nhau khóc và hát những bài hát buồn để tiếc thương người đã khuất. Nếu sau khi thiêu, thân xác chưa thể cháy hết, họ đem bỏ vào một cối lớn và nghiền nát xương cốt thành bột, đựng trong quả bầu khô và cất giữ trong nhà.
Một năm sau, khi đến ngày giỗ của người quá cố, tro cốt lấy được sẽ nêm vào món súp chuối, chia cho cả làng ăn và tiếp tục được bảo quản làm gia vị nấu ăn.
Tất cả dân làng đều phải ăn tro cốt của người đã chết để linh hồn của họ được cứu rỗi. Người thân trong gia đình thì tin rằng linh hồn của người chết có thể nhập vào cơ thể, mang đến cho họ sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để có thể chống chọi lại những tai họa mà khu rừng tạo ra. Nếu họ không thực hiện nghi thức này, linh hồn của người chết sẽ mãi mắc kẹt giữa giữa thế giới của người sống và người chết.
Với quan niệm này, nếu như một người nào đó chết và không thể tìm thấy xác sẽ là một điều kinh khủng và đáng sợ. Nếu 2 người trong bộ lạc là kẻ thù của nhau, họ rất sợ hãi nếu đối phương đe dọa sẽ không ăn thịt của người kia nếu như một trong người chết trước.
Chế độ xã hội đa thê
Trong bộ tộc, đàn ông trưởng thành nắm quyền lực tối cao. Thủ lĩnh phải thể hiện kỹ năng giải quyết tranh chấp hiệu quả. Phụ nữ chịu trách nhiệm nuôi con, nội trợ, làm vườn, hái lượm còn đàn ông gánh vác các việc nặng nhọc như dọn rừng, lấy đất làm nông nghiệp.
Vườn tược của họ gồm đủ các loại cây ăn quả, lấy củ như chuối, xoài, khoai lang, đu đủ, sắn, ngô, mía… Sáng sớm, đàn ông sẽ đi săn, trong khi, phụ nữ và trẻ em kiếm ấu trùng, tổ mối, cua, ếch, sâu bướm,... Con trai gánh vác vai trò là thành viên nam trong cộng đồng kể từ năm 8 tuổi.
Môi trường khắc nghiệt với phụ nữ
Khoảng từ 10-12 tuổi, để chứng minh rằng mình đã trưởng thành, phụ nữ Yanomami phải trải qua những nghi thức khắc nghiệt. Đầu tiên, các cô gái sẽ bị nhốt vào một cái lồng nhỏ trong vòng 1 tháng và không được ăn trong 1 tuần đầu. Sau đó, cô được vẽ lên cơ thể và đưa đi giới thiệu với các già làng như một người phụ nữ trưởng thành. Nếu bỏ qua nghi thức này, người Yanomami tin rằng cả làng sẽ bị nhấn chìm trong một cơn lũ.
Thiếu nữ Yanomami không được phép quan hệ tình dục trước khi có kinh nguyệt vì họ cho rằng máu kinh nguyệt là máu độc. Trong kỳ hành kinh, con gái Yanomami sẽ bị nhốt trong lều, ngồi xổm cho đến khi hết “ngày đèn đỏ”. Họ phải ăn qua cây que và không được phép bốc thức ăn trực tiếp bằng tay. Sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bé gái luôn đóng khố kín kẽ và phải đảm nhận mọi trách nhiệm mà một phụ nữ Yanomami trưởng thành gánh vác.
Bản chất bạo lực
Nam giới Yanomami nổi tiếng hung hăng, bạo lực và hiếu chiến như những chiến binh. Dân số đông đảo của bộ lạc khiến nguồn thực phẩm hoang dã dần trở nên cạn kiệt, khan hiếm hơn. Họ cạnh tranh nhau nhiều đến mức xung đột đẫm máu.
Tập tục cưới xin
Nghi thức cưới xin của bộ lạc này vô cùng đơn giản. Khi một người đàn ông thích một người phụ nữ, họ chỉ cần đến nhà cô dâu và làm việc cho gia đình cô dâu. Nếu được chấp nhận, 2 người sẽ sống chung với nhau. Người Yanomami cũng có ý thức trong việc phòng tránh có con cận huyết sẽ đến làng bên cạnh tìm vợ.
Tuy nhiên, phụ nữ hầu như không có quyền hạn gì nên thường là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng tình dục và là nơi để đàn ông trút bỏ những bực tức vô cớ. Để thể hiện sức mạnh và quyền thống trị của mình, người chồng thường xuyên đánh đập vợ bằng dùi cui, những vật sắc nhọn khiến cho vợ phải nghe lời và trung thành với bộ lạc của mình.
Nếu muốn ly dị, người phụ nữ có thể tìm và ngủ lại bên cạnh một người đàn ông khác mà mình thích. Người chồng cũ sẽ phải chiến đấu để giành lại vợ, nhưng không được phép chiến đấu cho đến chết.
Dịch bệnh hoành hành
Được phát hiện từ năm 1929, bộ lạc này đang phải chịu nhiều áp lực do người văn minh. Sau nhiều đợt dịch bệnh hoành hành, dân số của bộ lạc giảm đến 20%. Thêm nữa, người dân nơi đây từng bị những kẻ đào vàng sát hại, nhất là trong vụ thảm sát 16 người Yanomami năm 1993 gây nên nỗi khiếp sợ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ lạc vì họ nghĩ rằng linh hồn những người thân yêu sẽ mất đi mãi mãi.
Chính phủ Brazil buộc phải biến vùng đất thuộc về Yanomami thành các khu bảo tồn, cấm sự xâm nhập của người bên ngoài.