Theo phong tục xưa, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà. Thế nhưng, hái lộc như thế nào để mang may mắn về nhà thì không phải ai cũng biết.
Nét văn hóa từ ngàn năm
Theo những nhà sử học, tục hái lộc xuất hiện ở Việt Nam đã lâu. Trải qua hàng ngàn năm nét văn hóa này vẫn được người Việt lưu giữ. Tích kể lại rằng, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc.
Chuyện kể rằng khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.
Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển".
Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.
Hái lộc đầu năm nét đẹp văn hóa của người Việt.
Có thể thấy nét đẹp văn hóa này được người Việt ta giữ gìn phát huy hàng ngàn năm nay. Cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.
Những biến tướng không đáng có
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, từ xa xưa, người dân chỉ hái một cành rất nhỏ cây sanh, si, sung, đa – những loại cây vốn có sức sống mạnh mẽ đưa về cắm vào bình hoa, hoặc treo trước nhà với ý nghĩa đã “rước lộc” về nhà.
Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực thì hiện tục hái lộc có nhiều biến tướng, nhiều người khi đi hái lộc thường cố gắng bẻ nhiều cành to, thậm chí còn mang theo dao đi để chặt lộc.
Các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa ở Việt Nam khẳng định, hái lộc nhiều và to không phải là tốt vì sẽ làm hỏng cây. Do vậy, mỗi người chỉ nên chọn một cành nhỏ có lá xanh, lá non và có hoa càng tốt để mang về nhà. Hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Sau khi đi giao thừa, người dân có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ…
Hiện nay, đền, chùa thường cấm không cho người dân tự ý hái cây, bẻ cành mà chủ yếu phát cành lộc vàng. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, làm hỏng cảnh quan trong chùa.
Lộc hái về nên đặt ở những nơi trang trọng như gian chính diện hoặc trước bàn thờ. “Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa cụ thể là chồi non mới nhú. Nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đầu xuân là khởi đầu của một năm mà có được một cành lộc như vậy rất ý nghĩa nên những cây đào, cây quất người ta thường chọn cây nhiều hoa và lộc.
Mặt khác, lộc là điều tốt đẹp, mong muốn thần thánh có thể mang đến cho mình. Lên chùa thắp một nén hương xin lộc để cầu mong, cầu lộc đó là công danh, sự nghiệp hay sức khỏe… thì lộc đó có thể hiểu là sức khỏe, con cái, cầu công danh. Và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.