Cứ mỗi dịp Tết Thanh minh, hang động này lại phun ra hàng chục nghìn con cá, giúp dân làng làm giàu.
Tại huyện Trúc Sơn, thuộc thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có một hang động hết sức kỳ bí. Cứ vào mỗi dịp đầu năm, hang động này lại phun ra hàng chục nghìn con cá. Thế nhưng khi các chuyên gia tới tìm hiểu, họ lại toát mồ hôi lạnh và nghiêm cấm người dân đánh bắt loại cá này. Vậy rốt cuộc hang động này ẩn chứa bí mật gì?
Hang động này có tên "Lưu Ngư động", bề ngoài trông chẳng khác gì những hang động thông thường với kích thước khá nhỏ. Điều khác biệt nằm ở chỗ, cứ mỗi dịp Tết Thanh minh hàng năm, Lưu Ngư động sẽ phun ra hàng nghìn kg cá. Vì vậy, cứ mỗi dịp trước, trong và sau Tết Thanh minh, người dân quanh đó đều chuẩn bị sẵn dụng cụ để tới hang động bắt cá về ăn hoặc buôn bán. Họ coi đó là "lộc trời" được ban xuống mỗi năm.
Những con cá này có màu bạc, kích thước khá to, khi chết sẽ dần chuyển sang màu đỏ tươi. Loại cá này có hương vị rất thơm ngon, hầu như không có xương, chỉ có một xương sống chạy dọc lưng. Vì thế, nhiều người dân địa phương rất thích ăn loại cá này, khi bán cũng rất chạy.
Câu chuyện về hang động nhả ra cá cũng thu hút sự tò mò và quan tâm của nhiều người. Đến năm 2012, các chuyên gia đã tới đây để khám phá, tìm hiểu. Thật không ngờ, sự thật đáng kinh ngạc về Lưu Ngư động đã được phát hiện.
Sau khi đi sâu vào hang để tìm hiểu, chuyên gia hết sức sửng sốt và thốt lên: "Loại cá này không thể ăn được". Điều này đã khiến người dân không khỏi bất ngờ, bàng hoàng. Hóa ra, đây là một loại hóa thạch sống, được bảo vệ quốc gia cấp độ 2.
Loại cá này có tên khoa học là Scaphesthes macrolepis. Sở dĩ chúng được gọi là hóa thạch sống bởi chúng vẫn giữ nguyên hình dáng không thay đổi từ giai đoạn trứng nước của lịch sử tiến hóa và không có bất kỳ họ hàng gần gũi nào còn sinh tồn.
Scaphesthes macrolepis còn được gọi là cá vây đỏ Thái Sơn. Chúng được liệt vào một trong 5 loại cá tiến vua có giá trị nhất thời xưa. Cá vây đỏ Thái Sơn là loài cá nước ngọt, thịt mềm, vị thơm ngon mà không tanh, có tác dụng cải thiện thị lực. Chúng là món ăn bắt buộc phải có trong các bữa ăn của hoàng gia. Các hoàng đế Trung Quốc xưa thường đến Thái Sơn để thưởng thức loại cá này bởi chất lượng của cá vây đỏ Thái Sơn ở đây là cao cấp nhất.
Scaphesthes macrolepis sống ở các khe suối trên núi cao từ 270 đến 1500 m trên mực nước biển. Đặc biệt, người ta thường tìm thấy chúng ở các khu suối bắt nguồn từ các vết nứt dung nham và hang động karst. Khi mùa đông tới, chúng sẽ trốn dưới đáy nước từ tháng 10 và ra khỏi đó vào giữa tháng 4 năm sau. Nhiệt độ thích hợp để cá vây tia Scaphesthes macrolepis phát triển tốt là từ 4 đến 26 độ C, nếu thấp hơn 2 độ C hoặc cao hơn 28 độ C thì chúng sẽ chết.
Lý do mà loài Scaphesthes macrolepis xuất hiện nhiều ở vùng núi của huyện Trúc Sơn có liên quan mật thiết tới nhiệt độ, khí hậu và vị trí địa lý của nơi này.
Lưu Ngư động là hang karst (hang đá vôi) lớn, lòng hang rất rộng, có nhiều măng đá, nhũ đá. Khu vực xung quanh hang động này có nhiệt độ trung bình hàng năm là 16 độ. Lượng mưa khoảng 770 mm và thời gian không có giá lạnh là khoảng 250 ngày. Do đó, đây là nơi lý tưởng để loài Scaphesthes macrolepis sinh sôi và phát triển.
Sau khi biết được sự thật, chính quyền địa phương đã tiến hành tăng cường bảo vệ hang động, người dân cũng giảm dần hoạt động đánh bắt cá để tránh tình trạng tuyệt chủng.