Hơn một năm trôi qua, chị vẫn chưa thể quên buổi sáng đau đớn bị gã đàn ông đầu ấp má kề kéo vào nghĩa trang đánh đến ngất xỉu, sau đó nhẫn tâm đổ xăng thiêu sống.
Nỗi đau thể xác rồi cũng dần dịu lại, khi chị tìm được người yêu thương mình để xây dựng lại mái ấm gia đình. Nhưng mỗi lần nhắc đến gã chồng cũ tàn độc, những ký ức đau thương lại khiến người đàn bà không ngăn nổi dòng nước mắt ứa ra. Qua cơn xúc động, chị tâm sự: “Cũng may, “lần đò thứ hai” của tôi rất êm đềm. Cuộc sống mới, rồi sẽ giúp tôi quên đi nỗi ám ảnh”.
Buổi sáng oan nghiệt
Khoảng 7h30 sáng ngày 11/5/2012, nhiều người dân sống ở ấp Lòng Hồ (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) giật mình khi nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh phát ra ở gần khu nghĩa địa. Mọi người kéo nhau chạy về phía có ánh lửa thì phát hiện chị Đỗ Thị Báu (SN 1984, ngụ ấp Thuận An, xã Thành An, huyện Hớn Quản) đang nằm quằn quại, cố lăn mình giữa đám cỏ để ngăn ngọn lửa đang ngùn ngụt bao trùm lấy toàn bộ cơ thể. Phải khó khăn lắm, mọi người mới giúp dập tắt ngọn đuốc “sống”. Nhưng lúc này, thân thể chị Báu đã bị ngọn lửa bao trùm, quần áo và đầu tóc bị cháy hết. Nạn nhân nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 512 (tỉnh Bình Dương) trong tình trạng nguy kịch.
Sự việc còn chưa lắng xuống thì khoảng 30 phút sau, một người dân bất ngờ thét lên kinh hãi khi phát hiện cách khu vực nơi xảy ra đám cháy khoảng 30 mét, có một người đàn ông đang treo cổ lơ lửng trên cây cao. Ngay lập tức, vụ việc được báo lên chính quyền địa phương xã Tân Hưng. Có mặt tại hiện trường, lực lượng công an nhanh chóng xác định danh tính người đàn ông chết trong tư thế treo cổ là Bùi Phong Đại (SN 1987, ngụ xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), cũng chính là hung thủ thiêu sống vợ mình - chị Đỗ Thị Báu.
Chị Đỗ Thị Báu đang hạnh phúc sau khi may mắn thoát khỏi đòn thù của người chồng cũ. Ảnh TG
Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai ngờ nạn nhân và hung thủ đã từng là vợ chồng và có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh hơn 4 tuổi. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Đại và chị Báu đã kết hôn được 5 năm. Đến năm 2011, cuộc sống vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã nhau, chị Báu quyết định tạm thời li thân và đem đứa con trai về nhà mẹ đẻ ở xã Thành An (huyện Hớn Quản) sinh sống. Từ ngày vợ về ngoại sinh sống, Đại thường xuyên qua nhà gặp chị Báu đòi nối lại tình xưa. Nài nỉ không được, hắn quay sang dọa dẫm. Đáp lại sự đeo đẳng của Đại, chị Báu quyết định gửi đơn li hôn lên tòa án.
Ngồi lặng người bên đứa con trai đang tuổi ăn tuổi chơi vô tư cười nói, chị Báu cố nén dòng nước mắt, giọng buồn rầu nhớ lại: “Sáng hôm ấy, tôi đang trên đường ra tòa để làm thủ tục li dị với chồng. Khi tôi chạy xe ngang qua nghĩa trang Lòng Hồ thì bất ngờ anh Đại chạy xe ép tôi vào lề đường để “nói chuyện”. Sau một hồi lời qua tiếng lại, anh ấy lao vào đánh tôi tới tấp. Quá sợ hãi, tôi đã xỉu ngay tại chỗ. Thật không ngờ, Đại lại kéo tôi vào nghĩa trang rồi…”. Chị bỏ lửng câu nói giữa chừng khi không thể nào giấu đi những dòng nước mắt đang lăn vội.
Sau khi “tẩn” cho vợ một trận đòn nhừ tử đến ngất xỉu, Đại đã lấy mấy lít xăng được thủ sẵn trong cốp xe tưới lên toàn bộ cơ thể chị Báu và không ngần ngại châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên người vợ tội nghiệp. Chị quằn quại đau đớn trong tiếng kêu cứu. Vậy nhưng, những lời “thỉnh cầu” đến lạc cả giọng của vợ cũng không hề đánh thức được lương tâm của gã chồng bất lương. Nhìn vợ đau đớn ngã gục, Đại lạnh lùng quay lưng bước đi.
Nhưng may mắn cho chị là đúng lúc đó, người dân nghe tiếng kêu cứu đã chạy vào và kịp thời dập lửa. Còn Bùi Phong Đại, biết có người nhận ra mình nên đã nhanh chóng chạy trốn và đứng nép ở sau một gốc cây trong nghĩa trang. Sau đó, vì biết rõ đã phạm vào tội tày trời không thể nào thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, Đại đã lấy một đoạn dây điện rồi treo cổ trên cành cây, tự kết liễu cuộc đời mình.
Quên đi quá khứ để sống vì con
Hơn một năm trôi qua, chị Báu giờ đã có cuộc sống mới khi tìm được cho mình một “bóng tùng quân” đúng nghĩa. Nhưng cuộc đời lắm nỗi trớ trêu, người mẹ như chị không thể dối tâm can. Mỗi lần con thơ nhắc đến cha, chị vẫn thấy chạnh lòng. Hiện tại, chị vẫn làm nữ hộ sinh cho trạm y tế của nông trường cao su ở xã Thành An.
Trong dòng hồi tưởng về quá khứ, chị vẫn nhớ như in cuộc sống trước đây. Ngày mới quen nhau, Đại là một chàng trai làm nghề cắt tóc, chịu khó làm ăn. Chị hơn Đại ba tuổi nhưng vì yêu thương nhau hết mực, họ bỏ qua khoảng cách tuổi tác, cùng nhau mơ về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Nhưng hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”, một năm sau khi đứa con trai đầu lòng ra đời, hai vợ chồng Báu thường xuyên xảy ra nhiều mâu thuẫn.
Nguồn cơn của mọi nhẽ đều vì Đại đã không còn là người chồng, người cha có trách nhiệm với vợ con, tối ngày chỉ biết mài “đũng quần” trên chiếu bạc. Đã thế, mỗi lần thua bạc về nhà hắn lại kiếm cớ gây sự đánh đập vợ dã man. Thói vũ phu của Đại khiến chị Báu bao phen sống dở chết dở vì những trận đòn kinh hoàng. Không chịu nổi gã chồng vũ phu, chị đã quyết định li hôn. Chị Báu không thể ngờ, cái ngày ngỡ sẽ thoát khỏi cuộc sống địa ngục lại chính là thời khắc cả đời chị không thể quên được. Ngày chị Báu cảm nhận được tình cảm vợ chồng đã không thể cứu vãn để sống vì đứa con thơ cũng là lúc chị nhận ra, tình người đã không còn trong Đại.
Sau buổi sáng nghiệt ngã ấy, chị phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Ra viện, những vết bỏng vẫn chưa lành da khiến chị đau đớn. Nhiều đêm, nghĩ tủi phận mình, chị chỉ biết nằm khóc một mình. “May mắn được trời thương nên tôi vẫn còn sống. Nghĩ đến chồng, tôi cũng đau lắm chứ, nhưng nghĩ lại thì đau thương mất mát nhất vẫn là gia đình Đại. Chiếc áo, chiếc quần cũ mất đi người ta vẫn còn tiếc, huống hồ là núm ruột của mình. Nghĩ đến đấy, tôi cũng thương cảm cho bên nội nên bao nhiêu uất hận dần tan biến”, chị Báu trải lòng.
Bây giờ, điều chị bận tâm nhất là tương lai sau này của đứa con trai với Đại. Từ ngày xảy ra chuyện, có biết bao nhiêu lời ra tiếng vào, chị sợ miệng lưỡi người đời nhiều lúc cay nghiệt lọt vào tai trẻ thơ sẽ làm con bị tổn thương, lớn lên sẽ mặc cảm về cha mẹ. Chị Báu tâm sự: “Chuyện cha mẹ chẳng liên quan gì đến con trẻ. Sau này, tôi phải cố gắng bù đắp cho con sự thiếu vắng người cha. Về Đại, tôi chỉ thấy tiếc cho một kẻ coi thường mạng sống của mình. Chứ thực lòng, tôi không còn tình cảm luyến thương gì với một người chồng bạc tình, bạc nghĩa như vậy nữa”. Chị còn cho biết, sau cái chết của Đại, người thân bên nội không hề trách cứ mà vẫn thương con dâu và cháu trai như trước. Những ngày cuối tuần, ông bà nội đều qua thăm cháu chứ không hề bỏ rơi.
Giờ đây, chị Báu cũng đã lập gia đình mới với người chồng đang làm công nhân tại một công ty chế biến mủ cao su ở Lòng Hồ (Xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Hiện tại, nguôi ngoai dần nỗi đau, chị đã mang thai được 5 tháng. Theo lời chị kể, chồng mới là người tâm lý. Sợ chị đau lòng nên từ khi sống chung với nhau, anh chưa bao giờ khơi lại chuyện cũ. Cũng giống như chị, anh cũng từng qua một đời vợ và có một cậu con trai. Không thể giấu được niềm hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, vừa nói chị vừa chỉ tay về hai cậu con trai đang chơi đùa bên ngoài hiên nhà: “Kia là “con ông, con bà”, rồi cúi xuống nhìn bụng bầu bao bọc một sinh linh nhỏ bé đang dần lớn lên của mình chị mỉm cười: “Và đây là con “chúng ta””.