Sinh năm 1964 tại thôn Dược Thượng, Tiên Thượng, Sóc Sơn, Hà Nội, cuộc đời của bà Nguyễn Thị Tải chỉ toàn gian truân. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, bà lại mắc bệnh ung thư quái ác.
Cuộc sống bất hạnh
Chúng tôi gặp bà Tải khi bà đi tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Thân hình nhỏ bé nhưng bước đi nhanh nhẹn. Ít người biết bà đã từng chiến đấu với căn bệnh ung thư cách đây gần 5 năm.
Làn da đen sạm, mái tóc ngắn, đôi mắt buồn lúc nào cũng chực trào nước mắt là những điểm mà người ta dễ nhìn thấy ở bà Tải.
Bà kể, từ ngày còn thanh niên, có nhiều người đàn ông yêu thương bà nhưng duyên số không thành. Người đàn ông nào ngỏ lời yêu muốn cưới bà rồi lại lặng lẽ ra đi hết. Cuộc sống cứ trập trùng những khó khăn. Bố mẹ và anh em nghèo nên bà Tải phải tự mình bươn chải kiếm tiền tạo dựng cuộc sống.
Bà Tải đang đi tái khám
Năm 2000, bà Tải quyết định làm mẹ đơn thân. Người ngoài nhìn vào ai cũng xì xèo nhưng với bà thì có đứa con làm chỗ dựa lúc về già là điều cần hơn cả. Cuộc sống còn vô vàn khó khăn, người ta có vợ, có chồng mà nuôi con còn vất vả, bà tự xác định mình phải làm gấp 2, 3 lần những người khác để nuôi con tốt hơn.
Đứa con trai kháu khỉnh chào đời, nước mắt vui mừng của người mẹ khốn khổ ấy chảy thành dòng không ngăn lại được. Bà làm tất cả công việc may vá thuê cho người khác. Ngoài ra, có việc gì có thể kiếm thêm thu nhập bà Tải không quản ngại.
Con trai bà ngày một lớn lên, đi học mẫu giáo rồi tiểu học. Đứa trẻ hiểu mình không có bố nên chưa bao giờ hỏi mẹ bố đâu. Bà bảo “Mình vừa làm vai trò người cha, người mẹ nên cũng vất vả lắm nhưng mọi thứ chẳng thấm vào đâu. Chỉ cần mẹ khỏe, con khỏe là mọi thứ tuyệt vời rồi”.
Bà Tải tự mình xây căn nhà, vay thêm hàng xóm, anh em mỗi người một ít để mẹ con có ngôi nhà ở đàng hoàng.
Khi con học lớp 4, bà Tải phát hiện mình thường hay bị rong kinh. Có tháng, bà bị tới 4, 5 lần. Bị chảy máu ngoài kỳ kinh, bà ra trạm y tế khám, y tá ở trạm khuyên bà đi kiểm tra sức khỏe.
Bà bảo “Mới chỉ rong kinh và không có biểu hiện đau đớn hay khó chịu nào cả, nhưng khi tôi đi khám ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bác sĩ đã thông báo ung thư buồng trứng giai đoạn 2B, hơi muộn. Cầm kết quả trên tay, trời đất quanh tôi như sụp đổ. Tôi nghĩ cuộc đời đã hết rồi, bệnh ung thư có chừa ai đâu nhưng con tôi còn nhỏ quá. Cháu sẽ ra sao bây giờ”.
Được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị bắt buộc phải mổ cắt bỏ tử cung và tiến hành xạ trị, bà Tải quyết định làm ngay. Với bà, dù chỉ còn tia hi vọng mong manh bà cũng phải cố gắng làm cho bằng được. Bà không thể buông xuôi.
Những tháng ngày điều trị ung thư với bà Tải có lẽ là tháng ngày khốn khổ nhất cuộc đời. Tiền không có, bố mẹ già, anh em đều bận bịu. Bà tự đi điều trị hàng ngày. 32 mũi tia xạ, bà tự mình đi từ Sóc Sơn sang bệnh viện làm.
Kết quả khám mới đây của bà Tải.
Ngày nào mệt mỏi quá, bà lết ra, ngồi nghỉ tạm ở ghế đá. Khi hết mệt bà lại đi bộ ra bến xe buýt, cách bệnh viện gần 1km để bắt hai tuyến xe về với con nhỏ. Bà không dám ở lại bệnh viện vì sợ con không có ai chăm sóc.
Thời gian làm xạ trị, bà Tải kinh hoàng nhớ lại: “Toàn thân tôi teo tóp chỉ còn 35 kg. Tôi gầy lắm, không ăn được gì. Đi qua hàng cơm, cháo cũng nôn ói. Người tôi như các xác không hồn.
Xạ trị làm con người ta mất sức khỏe lắm. Nhưng có bệnh nên phải cố gắng. Không ăn được gì, tôi tự nhủ vì con phải cố gắng. Ăn vào nôn ra tôi lại ăn tiếp. Bản năng làm mẹ luôn thúc giục tôi không gục ngã”.
Dùng thảo dược dự phòng bệnh tái phát
Sau khi điều trị xạ trị tạm ổn, bà Tải chuyển sang điều trị thảo dược và thuốc nam. Bà chuyển sang Trung tâm Y tế lao động Thái Hà điều trị. Ỏ đây, bà Tải được bác sĩ truyền dung dịch thảo dược, nhưng cơ thể không hợp nên bà Tải cũng mệt mỏi chẳng kém gì xạ trị.
Bà nhớ lại: “Tôi hay bị nôn. Ngày nào truyền xong cũng không đủ sức đi về nên cứ nằm lại bệnh viện. Y tá có người cho nằm nhờ, có người lại cáu gắt đuổi đi. Tôi mệt nên cứ vạ vật xin nằm nhờ, ngủ đến hôm sau tỉnh táo hơn lại bắt 3 chuyến xe buýt về nhà.
Ngày đó, với tôi 1 nghìn đồng cũng quý nên được bác sĩ cho ngủ nhờ tại bệnh viện, tôi thích lắm. Tôi không còn tiền để trang trải chi tiêu nên chỉ còn cách cố gắng vay mua thuốc, điều trị cắt giảm được thứ gì hay thứ đó. Nhờ thế, có đợt cả hai tuần nằm viện tôi “trốn” được tiền giường bệnh".
Sau khi điều trị thêm bằng thảo dược một thời gian, bà Tải đã tạm ổn hơn. Đi xét nghiệm chiếu chụp lại không còn tế bào ung thư. Bà vui mừng vô cùng vì khát khao sống đã thực hiện được.
Điều trị bệnh đã khó nhưng giữ gìn để bệnh không tái phát là điều cũng khó hơn rất nhiều. Bà sợ bệnh tái phát sẽ nặng hơn nên lúc nào bà cũng có một lịch trình sinh hoạt hàng ngày khoa học.
Bà Tải tìm hiểu các tài liệu về bệnh ung thư và phòng ngừa ung thư. Về phần mình bị cắt buồng tử cung nên bà thường có cách vệ sinh riêng phòng viêm nhiễm. Sau khi điều trị khỏe, bà mở một quán tạp hóa nhỏ để buôn bán kiếm tiền trả nợ và nuôi con.
Mỗi lần con trai hỏi bà “Mẹ ơi bệnh ung thư nào dễ khỏi nhất?”, bà bảo con "Bệnh ung thư của mẹ là dễ khỏi nhất". Nhờ thế nên hai mẹ con bà quên đi ám ảnh bệnh ung thư ngày nào.
Ngoài ra, bà tự tay trồng cây thuốc nam trên sân thượng để lấy lá thuốc dùng. Các loại cây thuốc quý như cây lược vàng, trinh nữ hoàng cung… bà đều tự trồng, tự dùng để tránh các thuốc nam khác mua ở ngoài có thể bị nhiễm thuốc bảo quản. Cứ 3 tháng bà đi tái khám một lần và 5 năm nay sức khỏe vẫn tiến triển tốt. Bà Tải đã tăng thêm được 7 kg và yên tâm nuôi con ăn học.