Vào khoàng tháng 4 sẽ có vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu, bởi vậy người dân cần bình tĩnh, tiến hành các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.
Trong những ngày vừa qua, dư luận hết sức hoang mang, lo lắng khi Hà Nội liên tiếp xuất hiện 2 ca mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Đáng nói hơn, đây lại là căn bệnh lây qua đường hô hấp và rất dễ lây lan thành dịch.
Nhiều người dân đã chủ động đến các điểm tiêm chủng để tiêm phòng bệnh viêm não mô cầu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại hầu hết các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ, vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu chủng A, C (của Pháp, dành tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn) đều đã hết.
Trước thông tin trên, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Tại Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng đã xác nhận thông tin trên. Theo ông Cảm, hiện tại nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã hết vắc xin phòng viêm não mô cầu A, C của Pháp.
Biểu đồ số ca mắc và tử vong do bệnh viêm não mô cầu từ năm 2011-2016, theo số liệu Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế.
Đồng thời ông Cảm cho biết, hiện các điểm tiêm chủng chỉ còn vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu của Cuba dành tiêm cho trẻ 6-10 tuổi.
Cũng liên quan đến vấn đề này, phó giáo sư tiến sĩ Trần Đắc Phu – Cục trường Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, hiện Việt Nam đang hết loại vắc xin viêm não mô cầu chủng A,C, dự kiến khoảng 1 tháng nữa (4/2016) sẽ nhập khẩu loại vắc xin này về Việt Nam.
Theo ông Phu, vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu hiện nay được thực hiện trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Đồng thời, phó giáo sư Phu cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng, vì bệnh mới chỉ ghi nhận rải rác và ngành y tế đã vào cuộc để xử lý các ổ dịch, nên khó bùng phát thành dịch.
Cũng theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, hiện đang là thời điểm mùa đông xuân, dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Trước kia, bệnh dễ thành dịch lớn và có số ca nhiễm bệnh cũng như tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay số nhiễm bệnh đã giảm đi rất nhiều.
Người dân đến tiêm chủng tại điểm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh
Theo số liệu thống kê tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh. Năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần.
Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, ngày 25/2/2016, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có công văn số 175/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu.
Hiện nay tại các ổ dịch đều được Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân và thực hiện các biện pháp cần thiết để không để dịch có nguy cơ lan rộng. Tiêm chủng và chủ động phòng tránh được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này.