Đoạn clip ghi lại cảnh một cậu bé bị người lớn cố lột sạch quần áo vì lý do mải chơi game đã nhanh chóng nhận được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Mới đây, trên diễn đàn giải trí dành cho giới trẻ có đăng tải clip ghi lại cảnh người lớn có cả đàn ông và phụ nữ cùng lao vào giúp nhau lột sạch quần áo của một cậu bé trạc tuổi đang học cấp 2. Sự việc xảy ra tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Người lớn cố giữ người cậu bé để lột quần áo.
Theo người chia sẻ, clip cho biết cậu bé mải chơi game nên phụ huynh đã trừng phạt bằng cách lột quần áo. Điều đáng chú ý là sự việc xảy ra ở ngoài đường khi đó có nhiều người chứng kiến.
Trong clip, cậu bé liên tục giữ quần của mình nhưng sau một hồi thì người phụ nữ đã lột phăng chiếc quần ngoài, cậu bé đứng dậy và mặc sự nhòm ngó của mọi người xung quanh.
Mặc cho cậu bé giãy giụa.
Người lớn vẫn quyết tâm lột bằng được chiếc quần (Ảnh cắt từ clip).
Việc con cái nghiện chơi game không phải là chuyện riêng của một gia đình, nhất là những gia đình nông thôn khi bố mẹ không thể kiểm soát được hành vi của con.
Đã có rất nhiều trường hợp người lớn lột sạch quần áo của con vì mải chơi game hoặc đánh con, mắng con… Tất cả những hành động đó của phụ huynh thể hiện sự quá bực tức với con mình, thế nhưng nhiều người cho rằng, cách làm như vậy không có tác dụng gì.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin về hành động trên sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của trẻ, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, cha mẹ làm vậy là không nên.
Bà Nguyễn Thị Minh giải thích: “Về mặt tâm lý của con người ai cũng có lòng tự trọng, họ có một giá trị trân trọng. Ai cũng có sĩ diện cả cho nên trong trường hợp cha mẹ hành xử trước bàn dân thiên hạ như vậy là không nên. Văn hóa của người Việt là ‘Tốt khoe xấu che’ nên việc bôi điều xấu ra trước đông người sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ rất nhiều. Bên cạnh đó văn hóa Việt Nam cũng dạy rằng “đừng có vạch áo cho người xem lưng””.
Chia sẻ thêm về hành động của bậc phụ huynh này, bà Nguyễn Thị Minh cho biết chứng tỏ cha mẹ đã bất lực lắm, muốn sử dụng biện pháp mạnh để răn đe con tuy nhiên răn đe con như vậy sẽ phản tác dụng: “Tùy thuộc vào đứa trẻ nếu nó là đứa không coi sự xấu hổ đó là gì, nó trai lỳ cảm xúc thì việc đó không gây ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng với những đứa trẻ nhạy cảm thì hành động ghê gớm như vậy làm cho trẻ rơi vào trạng thái hẫng hụt, bất cần, chán nản nên việc đó cha mẹ không nên ứng xử như thế”.
Bên cạnh đó đối với những người chứng kiến thì không nên có chuyện đi bêu rếu cái xấu mà phải có sự phối kết hợp giữa giáo dục, xã hội đằng này lại đẩy cái xấu lên, hả hê trước sự bất lực của gia đình và sự xấu hổ của đứa trẻ đưa ra lời khuyên trong trường hợp này Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng:
“Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội như thế nào mà tạo cho trẻ một môi trường như thế. Hiện nay có nhiều đứa trẻ không hiểu được tâm lý của con đã có nhiều trường hợp vì lối hành xử bạo lực của người lớn dẫn đến trẻ tự tử tự sát. Bởi vậy, vì sao mình lại không chọn biện pháp giáo dục nhẹ nhàng hơn mà vẫn tốt cho trẻ.
Trong trường hợp cha mẹ bất lực thì có thể nhờ một người khác có uy tín với trẻ vì trong tâm lý của trẻ vẫn có một cái nhận thức đúng, có thần tượng của riêng nó. Theo khảo sát nhỏ của tôi thì tôi thấy có nhiều em không phục bố mẹ, có nhiều tình huống bố mẹ làm sai nên trẻ không còn phục và tin tưởng nữa vì vậy muốn tìm được người đó cha mẹ phải gần gũi với con nhiều hơn có thể là bạn học, thầy giáo hay một người anh em họ nào đó thì trẻ sẽ dễ nghe hơn”.
Ngoài ra theo TS Minh cha mẹ cũng có thể cách ly con khỏi môi trường xấu bằng cách cho con học ở trường nội trú, chuyển trường học để trẻ có ý thức hơn. Bà Minh cũng khẳng định thêm: “Chúng ta không thể nào dùng những biện pháp như lột trần quần áo như vậy được”.