Tình trạng sử dụng hộ chiếu giả tràn lan đang gây ra nguy cơ rất lớn cho an ninh hàng không thế giới.
Gần 13 năm sau vụ khủng bố 11/9 vào nước Mỹ, người dân trên khắp thế giới vẫn thường được cảnh báo rằng trong thế giới tràn ngập hộ chiếu giả vốn đã được những kẻ khủng bố sử dụng để tấn công vào nước Mỹ, các giấy tờ thông hành của bạn là thứ rất dễ bị đánh cắp, bị sao chụp và làm giả, và thường rất ít trường hợp được phát hiện.
Ông Michael Greenberger, Giám đốc Trung tâm Y tế và An ninh Nội địa Đại học Maryland, Mỹ cho rằng hộ chiếu là mắt xích yếu nhất trong hệ thống an ninh hàng không trên thế giới ngày nay.
Tuyên bố này của ông được đưa ra trong bối cảnh các điều tra viên đang tìm hiểu khả năng việc 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả có liên quan gì đến vụ chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 239 người bị rơi trên biển hay không.
Hộ chiếu cũ của công dân Ý này đã bị lợi dụng để lên chiếc máy bay MH370
Tuy nhiên hiện nay có một điều rõ ràng là mặc dù có hàng triệu hộ chiếu đã được đưa vào danh sách bị mất cắp, bị mất hay thất lạc trên thế giới, rất ít quốc gia tự động đối chiếu hệ thống cơ sở dữ liệu này tại các cửa kiểm soát an ninh tại sân bay.
Và ông Greenberger chỉ ra rằng mặc dù Ủy ban 11/9 đã nêu lên quan ngại này trong báo cáo năm 2004, trong hiện vẫn chưa có một phương pháp hiệu quả nào có thể chắc chắn rằng một người trình quyển hộ chiếu tại sân bay là chủ nhân đích thực của nó.
Theo cơ sở dữ liệu của Interpol bắt đầu được xây dựng từ năm 2002, hơn 40 triệu giấy thông hành, đa phần là hộ chiếu đã được thông báo là bị mất cắp hoặc thất lạc trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble đã bày tỏ quan ngại rằng “chỉ có một vài quốc gia có những biện pháp đảm bảo rằng những người mang hộ chiếu ăn cắp sẽ không thể lên được máy bay”.
Interpol cho biết đã không có quốc gia nào kiểm tra 2 cuốn hộ chiếu được sử dụng để lên chiếc máy bay Boeing 777 từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, mặc dù 2 hộ chiếu này đã được báo mất ở Thái Lan, và không ai biết chắc chúng đã được sử dụng bao nhiêu lần trước đây.
Mỹ là quốc gia sử dụng cơ sở dữ liệu của Interpol nhiều nhất để giám sát những người nhập cảnh. Mỗi năm Mỹ kiểm tra cơ sở dữ liệu này tới 250 triệu lần, tiếp theo là Anh với 120 triệu lần và UAE với 50 triệu lần.
Interpol cho biết cơ sở dữ liệu này được cung cấp cho toàn bộ 190 quốc gia thành viên, tuy nhiên Interpol không thể ép các quốc gia này tích hợp nó và hệ thống của họ. Trong năm ngoái, có tới hơn 1 tỉ lượt hành khách đã lên máy bay mà hộ chiếu của họ không được đối chiếu với cơ sở dữ liệu này.
Theo thống kê của Mỹ và Interpol, mỗi năm chính phủ Mỹ ban hành hàng ngàn “danh sách cấm lên máy bay” đối với các hành khách đáng ngờ cho các hãng hàng không. Chỉ riêng trong năm 2011, họ đã ban hành hơn 3.600 danh sách cấm bay như vậy.
Một quầy bán vé của hãng hàng không Malaysia Airlines
Thị trường chợ đen buôn bán hộ chiếu giả chủ yếu phục vụ các lao động nhập cư bất hợp pháp, gái mại dâm và những người nhập cư trái phép khác. Tuy nhiên những hộ chiếu giả đó cũng được các phần tử khủng bố sử dụng, chẳng hạn như tên Ramzi Yousef, kẻ đã bị kết tội thực hiện vụ đánh bom vào Trung tâm Thương mại Thế giới năm 2003.
Báo cáo do Ủy ban 11/9 của Mỹ đưa ra đã chỉ rõ cách thức bọn không tặc mua và tẩy sửa hộ chiếu để giúp chúng có thể vào được nước Mỹ. Báo cáo này cũng chỉ ra 5 cách bọn khủng bố có thể sử dụng hộ chiếu giả bằng cách thay ảnh hoặc tẩy xóa các loại dấu xuất nhập cảnh.
Báo cáo của ủy ban này kêu gọi các nước sử dụng hộ chiếu sinh trắc học, loại hộ chiếu rất khó làm giả và gắn liền về bản chất với người được cấp. Tuy nhiên, vì vấn đề ngân sách, chính phủ Mỹ vẫn phải tiếp tục sử dụng hệ thống cũ và “hy vọng không có gì tồi tệ xảy ra”.
Theo ông Greenberger, hệ thống kiểm tra hộ chiếu hiện nay của Mỹ vẫn được coi là tốt hơn rất nhiều quốc gia khác. Nếu như chuyến bay này của Malaysia Airlines bay tới Mỹ, chắc chắn 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả sẽ bị kiểm tra trước khi máy bay cất cánh.
Vì hiện nay nhiều quốc gia vẫn duy trì hệ thống kiểm tra hộ chiếu của họ hoặc không hề kiểm tra cơ sở dữ liệu cẩn thận như Mỹ nên “nếu bạn bay từ một sân bay này tới sân bay khác ở nước ngoài, số phận của bạn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những gì mà nước xuất cảnh và nước nhập cảnh đang làm”, ông Greenberger nói.