Mặc dù Ỷ Lan Nguyên Phi có công giúp chồng là vua Lê Thánh Tông xây dựng đất nước hưng thịnh nhưng hành động giết thái hậu cùng hàng loạt cung nữ bị người đời lên án.
Ỷ Lan (1044-1117) là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông; mẹ ruột của Hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Tương truyền bà tên thật là Lê Thị Yến, quê tại hương Thổ Lỗi (Siêu Loại) thuộc phủ Thuận Thành, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Cô gái hái dâu “hút hồn” vua
Ngày ấy, vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Thượng Dương đã bước vào tuổi 40 mà chưa có con kế nghiệp, vì thế vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền. Một buổi sáng mùa xuân khi đi viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành), ông ngang qua một ngôi làng có người dân đang mở hội nghênh đón rất đông. Già trẻ lớn bé đều quỳ hai bên đường để được một lần ngắm nhìn long nhan hoàng đế. Duy chỉ có Lê Thị Yến là không quan tâm, đứng dựa vào gốc cây lan chờ cho người của triều đình đi qua để tiếp tục công việc hái dâu của mình.
Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ liền gọi lại hỏi chuyện thì bà đáp: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng”. Sau đó vua thấy cô gái hái dâu ăn mặc quê mùa nhưng cử chỉ đoan trang, ăn nói nhẹ nhàng, đối đáp lễ nghĩa hơn những người con gái mà ông đã từng gặp nên đem lòng yêu thương. Vua đưa bà về cung phong làm cung nhân, sau đó đổi thành Ỷ Lan phu nhân.
Chân dung Ỷ Lan Nguyên Phi.
Năm 1066, Ỷ Lan phu nhân có thai và sinh ra hoàng tử Càn Đức. Sau đó, vua lập tiểu hoàng tử làm hoàng thái tử, phong Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi, đổi tên hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, đại xá thiên hạ.
Năm 1068, Thần phi tiếp tục sinh con trai và được phong làm Nguyên phi, địa vị trong hậu cung chỉ sau Dương hoàng hậu.
Giúp vua cai trị đất nước
Tháng 2/1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi, ông tin cậy trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi. Khi ấy, bà không quản ngại khó khăn, vất vả, đến nhiều nơi để hiểu được đời sống của muôn dân. Nhờ chuyến đi này, bà đã giúp dân thoát khỏi cơ cực cũng như trấn an dân chúng, củng cố triều cương. Bà còn trừng trị tham quan ô lại, cường hào ác bá mang lại cuộc sống yên ấm cho người dân khắp nước Đại Việt.
Theo đó, năm đó đại hạn, người dân đói kém, mất mùa phải tha hương cầu thực rất cực khổ. Sau khi dò hỏi, bà nghi ngờ quan lại địa phương ăn chặn phần gạo phát chẩn của triều đình bèn sai người tìm hiểu.
Cận vệ bẩm báo trong vùng có phú hào họ Phạm là bà con thân thích của phủ nha, chúng thao túng lượng lớn gạo trong vùng rồi bán với giá cắt cổ. Chúng cũng thu mua, tích trữ gạo phát chẩn của phủ nha và triều đình.
Nguyên phi giận dữ, quyết trừng trị tham quan cường hào ác bá. Bà sai thị nữ về báo tin cho thái sư ở kinh thành. Sau đó bà cùng cận vệ và một thị nữ khác ở lại, đóng giả làm thương lái, mua bán lương thực, từng bước tìm đủ nhân chứng, vật chứng, chờ khi thị nữ kia trở lại cùng quan quân mới ra mặt trừng trị bọn cường hào, đồng thời phát chẩn gạo cho dân chúng.
Tượng Hoàng thái hậu Ỷ Lan.
Dân chúng biết có người phát chẩn bèn kéo về nhận gạo. Bọn cường hào không bán được gạo liền tức tối, bẩm báo quan. Quan địa phương cấu kết với gian thương, bắt bà về quan phủ, khép tội gây rối loạn giao thương, làm náo loạn trên phố, đòi phạt bà 50 trượng, tịch thu số gạo. Đúng lúc đó, thái sư Lý Đạo Thành dẫn quân đến, trừng trị đích đáng những kẻ cường quyền chuyên ức hiếp dân chúng.
Trong khi bà cai quản đất nước, muôn dân ấm no, sung túc, đội quân đi dẹp Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông gặp nhiều bất lợi. Để bảo toàn lực lượng, vua quyết định rút quân. Tương truyền, trên đường rút qua châu Cư Liên, vua gặp người đốn củi bèn cho gọi ông ta lại và hỏi về tình hình cuộc sống người dân vùng đó. Người này đáp cuộc sống của dân no đủ, ai cũng vui mừng phấn khởi, chăm chỉ làm ăn.
Vua hỏi ra mới biết Ỷ Lan hết lòng giúp đỡ dân chúng trong lúc hạn hán mất mùa, trừ gian diệt ác, trừng trị bọn cường hào ức hiếp dân lành. Ông thầm nghĩ: “Nguyên phi là phận nữ nhi yếu ớt mà còn làm được việc nước như thế. Ta là bậc thiên tử, chưa đánh đã vội ra lệnh lui quân, thật chẳng đáng hổ thẹn lắm sao?”. Ông bèn hạ lệnh cho quân lính tiếp tục hành quân lên đường, quyết hạ Chiêm Thành.
Bức chết Thượng Dương hoàng hậu và 76 cung nữ
Tháng 1/1072, vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà, thọ 48 tuổi. Hoàng thái tử Lý Càn Đức lên ngôi kế nghiệp, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Nhân Tông kế nghiệp khi mới 6 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Linh Nhân Thái phi, tôn Dương Hoàng hậu làm Thượng Dương thái hậu. Theo luật xưa, khi hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi, Thái hậu sẽ được quyền nhiếp chính. Là người sinh ra vua nhưng quyền lực lại thuộc về Dương hoàng hậu khiến cho Nguyên Phi Ỷ Lan rất tức tối bèn tìm cách hãm hại.
Một lần, Nguyên Phi giả vờ ốm, vua Lý Nhân Tông vào thăm, bà khóc lóc than: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua liền sai đem giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông.
Mặc dù Ỷ Lan Nguyên Phi có công giúp vua Lê Thánh Tông xây dựng đất nước, nhưng hành động giết thái hậu bị người đời lên án. Đến cuối đời, Thái hậu Ỷ Lan làm rất nhiều việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo.
Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 chùa, đền. Sử cũ cho rằng có lẽ bà sám hối về việc bức hại Dương Thái hậu và 72 thị nữ nên mới làm như vậy. Năm 1117 Thái hậu Ỷ Lan qua đời, kết thúc cuộc đời của một bà Hoàng "lắm tài nhiều tội".