Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, ít ai biết rằng đây là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ trước đến này đã có rất nhiều nghiên cứu khác nhau tìm kiếm mối liên hệ giữa vắc xin và Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Kết quả đều cho thấy vắc xin hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra đột tử ở trẻ sơ sinh.
Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sỹ chuyên khoa khẳng định chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt.
Tư thế nằm ngửa được khuyến khích để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ.
Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ.
Theo số liệu thống kê, tại Mỹ, trong năm 2010 có hơn 2.000 trẻ chết không rõ nguyên nhân , trong đó 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi. Đa phần Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi và xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh.
Các thống kê cho thấy, các bé nam gặp Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh nhiều hơn các bé nữ, và dường như Hội chứng này có liên quan đến mùa trong năm, theo đó, mùa lạnh hơn trường hợp đột tử ở trẻ sơ sinh tăng cao hơn. Nghiên cứu khác cũng cho biết, người Mỹ Phi, người Mỹ gốc Ấn, gốc Alaska có tỉ lệ đột tử cao hơn người gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, gốc Á và gốc châu Âu.
Mặc dù đã có nhiều nguyên cứu để tìm ra nguyên nhân căn bệnh này, tuy nhiên cho đến nay y học vẫn chưa biết rõ những nguyên nhân gây ra các trường hợp đột ngột tử vong ở trẻ dưới một tuổi, đặc biệt với các trường hợp trẻ đang có vẻ khỏe mạnh. Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu khoa học đã và đang nỗ lực hết mình để tìm ra nguyên nhân của Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Một số nghiên cứu cho thấy có trẻ tử vong đột ngột có một số dấu hiệu ở não bộ bất thường. Trong đó, hệ thống các tế bào thần kinh có vai trò kiểm soát nhịp thở, nhịp tim, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể nhận diện được những trẻ em có các dấu hiện nguy cơ. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục phát triển các nghiên cứu để quét não chuyên sâu nhằm giúp phát hiện sớm các trường hợp trên.
Khuyến nghị đột tử có thể giảm khi đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ Theo nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ vào năm 1992 khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cũng giảm thiểu nguy cơ SIDS. Viện Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Quốc gia đã thực hiện thành công chiến dịch truyền thông “Nằm ngửa khi ngủ” vào năm 1994, nhằm giúp người dân Mỹ ý thức được vấn đề này và giảm thiểu con số tử vong ở trẻ sơ sinh Mỹ. Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ SIDS, thai phụ nên chú trọng việc chăm sóc sức khỏe thai sản từ sớm, thường xuyên và liên tục. Phụ nữ tránh hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất cấm khi mang thai và sau khi sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị SIDS so với trẻ không được bú mẹ. Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé và lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ của trẻ để có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp nguy hiểm. |