Tính đến ngày hôm qua (12/5), số ca nhiễm Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông tử vong tại Saudi Arabia (MERS) đã tăng lên 139 ca.
WHO họp khẩn về virut MERS
Tổ chức Y tế Thế Giới sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong ngày hôm nay (13/5) tại thủ đô Geneva (Thụy Sỹ) để bàn về virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) trong bối cảnh dịch bệnh này đang lan rộng tạ 12 nước ở Trung Đông, chủ yếu là Saudi Arabia (tâm điểm của dịch). Riêng tại Saudi Arabia, giới chức y tế cho biết cho tới nay đã có ít nhất 473 trường hợp bị nhiễm virus MERS, trong đó có 139 người đã tử vong.
Đây là cuộc họp khẩn thứ 5 được tiến hành bởi WHO kể từ khi dịch MERS bắt đầu xuất hiện năm 2012. Theo thống kê, tính đến nay đã có ít nhất 139 người đã thiệt mạng trong tổng số gần 500 người nhiễm bệnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 9/2012.
Ngày hôm qua (12/5) đã có thêm 10 trường hợp nhiễm mới. Hiện nay, mới chỉ có 17 trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn và được xuất viện. Điều đáng lo ngại là những người nhiễm bệnh mới vẫn đang không ngừng tăng lên.
Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông MERS được coi là nguy hiểm hơn virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng lây lan khắp châu Á năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và hơn 800 người trong số đó đã tử vong.
Hội chứng hô hấp cấp MERS nguy hiểm hơn SARS (Ảnh minh họa)
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc cho hay, cuộc họp sẽ xem xét báo cáo của nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới sau chuyến thăm Saudi Arabia cách đây vài tuần, qua đó sẽ tham vấn cho Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới về những bước đi tiếp theo.
Ngoài Saudi Arabia, MERS cũng xuất hiện tại hơn 12 quốc gia khác, chủ yếu ở khu vực Trung Đông trong đó có U.A.E, Jordan, Ai cập, Lebanon và cả Mỹ. Đó hầu hết là du khách trở về từ Ả Rập Xê Út hay làm việc tại đất nước này, thường là nhân viên y tế.
MERS là hiểm họa sức khỏe mới nhất thu hút sự chú ý sự chú ý của các nước trên thế giới. WHO đã nâng MERS lên mức báo động nguy hiểm. Hiện vẫn chưa có công bố chính thức khẳng định rõ nguồn gốc của virus MERS từ đâu. Ban đầu virus MERS được cho là lây từ động vật (dơi) sang người. Tuy nhiên, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà (loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông) khi một vài bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà hoặc uống sữa lạc đà tươi.
Các chuyên gia cho rằng tuy giống SARS là lây nhiễm từ động vật sang người và có cùng biểu hiện cúm, nhưng MERS có điểm khác là gây suy thận Người mắc virus corona có biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau mỏi toàn thân và đi ngoài... Những biểu hiện không khác mấy so với cúm mùa thông thường, khiến nhiều người tỏ ra chủ quan. Theo các chuyên gia y tế, MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu.
Mỹ ghi nhận trường hợp thứ 2 nhiễm virut MERS
Hôm nay (13/5), Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh của Mỹ (CDC) xác nhận trường hợp thứ hai bị nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) ở nước này. Theo CDC, trường hợp mới nhất này là một nam giới mang quốc tịch Saudi Arabia, hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở Orlando, Floria trong tình trạng cách ly và theo dõi tốt nhất.
MERS-Cov được cho là khởi phát từ Saudia Arabia và nguồn mang virus là lạc đà.
Trường hợp thứ nhất nhiễm MERS vào ngày 2/5 vừa qua. Một người đàn ông đã ngã bệnh sau khi đáp xuống sân bay tại Mỹ. Ông là một nhân viên y tế đến từ Saudi Arabia. Ông nhập viện với tình trạng sức khỏe có những triệu chứng nhiễm virus MERS.
Giáo sư Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh lây nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, nói: “Tôi không ngạc nhiên khi thấy số lượng người du lịch và các chuyến bay qua lại từ Mỹ đến Trung Đông, và việc này tất nhiên sẽ xảy ra không sớm thì muộn”. Từ ngày 2/5 vừa qua, CDC đã khuyến cáo người dân Mỹ thận trọng cân nhắc các chuyến du lịch tới các nước vùng bán đảo Arab.
Nguy cơ cho Việt Nam
Gần với Việt Nam, hai quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Malaysia cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm Mers CoV. Đó là một trong những lý do khiến chúng ta trở thành nước có nguy cơ cao nhiễm loại virus này.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus Corona tuy nhiên, virus này có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Ông lo ngại, số lượng lớn người Việt Nam xuất khẩu lao động tại khu vực Trung Đông khi trở về có thể mang theo mầm bệnh.
Xem video Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông và nguy cơ cho Việt Nam trên VTV: