Số nạn nhân nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) không ngừng gia tăng ở Saudi Arabia đang trở thành mối lo ngại lớn trên toàn cầu.
WHO lo ngại MERS lây lan mạnh từ bệnh viện
Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS) là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus. Tác nhân gây bệnh là virus thuộc nhóm coronavirus (CoV) được mô tả lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2012 tại Saudi Arabia và được gọi là virus Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS-CoV).
Tính từ đầu năm đến nay, tại Saudi Arabia đã có 499 trường hợp nhiễm bệnh và 126 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 80% tổng số ca nhiễm MERS trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại là những con số này vẫn đang không ngừng tăng lên.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đến thực tế tại các bệnh viện ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia – một trong những điểm nóng MERS đang hoành hành và bày tỏ sự lo ngại rằng bệnh viện chính là nơi virus MERS lây lan rộng.
“Một trong những điều mà chúng ta có thể kết luận là việc kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tối ưu và cần phải cải thiện”, một quan chức WHO cho biết sau khi đi thực tế tại bệnh viện ở Jeddah, Ả Rập Saudi.
WHO cho biết, sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp MERS trong năm tuần qua là do xuất hiện nhiều vấn đề trong quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại một số bệnh viện ở Ả Rập Saudi.
Theo Tiến sĩ Keiji Fukuda, thực hiện việc kiểm soát nhiễm trùng tốt dập tắt dịch MERS bùng phát tại các bệnh viện xung quanh Al Ahsa, Ả Rập Saudi.
Sự gia tăng dịch bệnh mạnh mẽ ở Saudi Arabia kể từ đầu tháng tư đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng MERS bùng phát tương tự như SARS, hơn nữa MERS còn lan rộng trong các bệnh viện. Khoảng 20% trong số 8.500 bệnh nhân SARS là nhân viên y tế, và những người từng đến bệnh viện.
Nhiều người trong số các trường hợp nhiễm MERS ở Saudi gần đây là những người vào bệnh viện vì những vấn đề về sức khỏe và bị lây nhiễm trong thời gian ở đây. “Rất nhiều người đang tự hỏi và lo lắng về việc chúng ta đang có một kịch bản như SARS?”, Fukuda thừa nhận.
“Tôi nghĩ, mức độ kiểm soát lây nhiễm SARS và virus MERS chính là cách tốt nhất có thể giúp ngăn chặn nó trong bệnh viện”, ông nói thêm.
Fukuda cho biết, nhóm nghiên cứu của WHO vẫn phân loại dữ liệu được lấy từ Bộ y tế của Ả Rập Saudi. Nhưng rõ ràng là đã một sự thay đổi gần đây cho chính sách kiểm tra người nhiễm MERS – không chỉ người bệnh mà còn có những người khỏe mạnh. Sự thay đổi thử nghiệm này giúp xác định số lượng đáng kể những người bị nhiễm có triệu chứng rõ ràng hoặc chưa xuất hiện triệu chứng.
Thêm 6 trường hợp tử vong
Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 9-5 thông báo số người tử vong vì Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) là 126 người. Riêng trong ngày 9/5 đã có 28 trường hợp nhiễm mới trong đó có 6 ca tử vong.
Vì thế, Bộ trên yêu cầu nâng cao cảnh báo và tăng cường kiến thức đối với các nhân viên y tế. Hiện chưa có kháng sinh cũng như bất cứ phương pháp nào đẩy lùi virus MERS. Một số nhà nghiên cứu cho rằng mầm bệnh của MERS xuất phát từ lạc đà.
Mặc dù có những lời giải thích cho sự gia tăng của những con số, tuy nhiên Tiến sỹ Fukuda cho biết sự thật rằng đã có sự gia tăng trường hợp nhiễm MERS trong cộng đồng, trong số đó có nhiều người không bị nhiễm trong bệnh viện.
WHO đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và đang tiến hành các thí nghiệm để kiểm chứng xem có bằng chứng nào cho thấy virus MERS có khả năng lây từ ngườì sang người hay không.
Ông nói rằng nghiên cứu của WHO đã nhận được hợp tác tốt từ các quan chức Ả Rập.Trước những lo sợ của người dân về sự lây lan nhanh chóng của chủng virus này, mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế Ả rập Xê út đã quyết định sa thải Giám đốc Bệnh viện Vua Fahd tại Jeddah, nơi xảy ra nhiều trường hợp lây nhiễm trong các nhân viên y tế.