Mặc dù có thể chuyển tới một nơi có điều kiện sống tốt hơn nhưng người dân trên đảo này đều không muốn làm vậy bởi họ cảm thấy bình yên và hạnh phúc khi sống trên đảo hơn bất cứ nơi nào.
Đi qua Nam Đại Tây Dương mênh mông vô tận, cách hòn đảo có người ở gần nhất 1.200 hải lý và cách đất liền Nam Phi gần nhất 1.500 dặm, bạn sẽ tới đỉnh của một hòn đảo núi lửa nhỏ. Màu xanh ngọc lục bảo của nơi đây sẽ xen kẽ lốm đốm những ngôi nhà. Hòn đảo này chính là Tristan da Cunha. Cộng đồng dân cư Edinburgh of the Seven Seas trên đảo chính là minh chứng cho khả năng phục hồi và sống sót của nhân loại. Đây chính là nơi định cư xa xôi nhất trên trái đất này.
Nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Tristao da Cunha là người đầu tiên phát hiện ra hòn đảo này nên tên của ông cũng được đặt cho đảo. Mặc dù đã được người Hà Lan khám phá nhiều lần trong suốt những năm 1600 nhưng mãi đến những năm 1800, các tàu săn cá voi của Mỹ mới quan tâm đến những hòn đảo này. 3 người đàn ông Mỹ đã cố gắng thiết lập một thuộc địa và trạm buôn ở trên đảo. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại sau khi một vụ tai nạn nhấn chìm hai người đàn ông xuống biển.
Hòn đảo Tristan da Cunha, một trong những nơi xa xôi nhất thế giới có người định cư.
Năm 1816, Anh chiếm Tristan da Cunha do lo ngại người Pháp có thể sử dụng hòn đảo này để giúp Napoleon được tự do. Khi đó, Napoleon đang bị giam trên đảo St.Helena, cách Tristan da Cunha 1.200 hải lý về phía bắc. Từ năm 1816-1908, chỉ có 15 người sống trên đảo, trong đó có 8 nam và 7 nữ. Họ kết hôn với nhau, sinh con đẻ cái. Từ đó, dân cư trên đảo bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Những người đi săn cá voi lập các cửa hàng và Tristan da Cunha càng ngày càng giống một nền văn minh thực sự.
Trong khi mọi thứ bắt đầu tiến triển bất chấp vị trí xa xôi, cuộc sống trên Tristan da Cunha lại có nhiều khó khăn. Dân cư không nhất quán, người định cư đến và đi theo thủy triều. Có thời điểm, hòn đảo chỉ có 4 gia đình. Càng ngày càng ít tàu dừng lại để tiếp tế cộng với ngành đánh bắt cá voi suy giảm trong nội chiến Mỹ khiến đảo bị thiệt hại do cô lập.
Hầu hết người dân trên đảo là anh em ruột của nhau do kết hôn cận huyết.
Tristan da Cunha sau đó còn phải chịu thêm nghịch cảnh khi các thủy thủ muốn lừa tiền bảo hiểm cố tình thả tàu của họ trên đảo. Những con chuột đen bắt đầu túa ra từ những chiếc tàu bị bỏ lại này. Chúng gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp vốn đã sơ sài và động vật hoang dã tại đây.
Nhưng dù chuyện gì xảy ra, người dân trên đảo cũng không chấp nhận thất bại. Họ trở thành những người săn bắn, hái lượm tài tình. Dân tại đây thu trứng và thịt của các loài chim bản địa để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nông nghiệp và thương mại. Một lần nữa, điều này chứng minh cho sự hồi phục của những con người trên đảo.
Ngày nay, Tristan da Cunha là nơi sinh sống của 267 người nhưng tất cả được cho là con cháu của 15 người đầu tiên sống trên đảo. Họ kết hôn với những người họ hàng gần nên con cái sinh ra thường mắc các bệnh di truyền như tăng nhãn áp, hen suyễn. Nơi đây vẫn có các tiện nghi hiện đại như bệnh viện được trang bị phòng mổ và cơ sở nha khoa và một cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, mọi cung ứng cho đảo vẫn dựa vào đại dương. Vì thế khi muốn gì, họ phải đặt hàng trước vài tháng.
Hòn đảo Tristan da Cunha cô lập giữa đại dương.
Chính vì những khó khăn như vậy mà cuộc sống ở nơi định cư xa xôi nhất thế giới lại rất đơn giản và bình yên. Mối quan tâm duy nhất của con người nơi đây chính là ngọn núi lửa đang hoạt động ở bên trên. Tristan da Cunha không có vụ phun trào nào kể từ năm 1961 khi mọi công dân khi đó đã sơ tán.
Mặc dù có thể chuyển tới Anh và trải nghiệm những tiện ích của cuộc sống hiện đại nhưng hầu hết người dân trên đảo lại nhanh chóng quyết định trở lại Tristan da Cunha khi các nhà địa chất tuyên bố nơi này an toàn trong hai năm tiếp theo. Người dân nơi đây không có nhu cầu tiếp cận các trang thiết bị hiện đại, công nghệ hay mạng xã hội nhưng vẫn rất hài lòng với cuộc sống.