Ngay sau khi công bố có ca nhiễm virus Zika tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch do virus Zika.
Theo đó, hướng dẫn này chỉ rõ trong trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm có dương tính với virus Zika việc chăm sóc thai sản cần phải căn cứ vào kết qua siêu âm để xử trí phù hợp. Theo đó, khi siêu âm không thấy đầu nhỏ và bất thường về não thai nhi thì cần phải tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo đúng quy định. Hẹn siêu âm sau mỗi tháng.
Trong trường hợp siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì cần chuyển ngay thai phụ đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, cân nhắc việc tiến hành chọc ối hoặc thăm dò khác để sàng lọc bẩm sinh.
Phụ nữ mang thai cần chủ động phòng chống virus Zika.
Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trong trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cần tiếp tục chăm sóc thai nghén, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình, cũng như việc chuẩn bị kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh.
Đối với phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết, các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng có dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.
Cũng liên quan đến vấn đề này, có nhiều độc giả đã đặt câu hỏi về việc sự nguy hiểm của virus Zika không chỉ với phụ nữ mang thai mà cả cộng đồng. Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân không nên hoang mang lo lắng vì virus Zika không thật sự quá nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ.
“Virus Zika còn không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết. Bởi ngoài một số dị tật đầu nhỏ, virus Zika chưa ghi nhận gây ra ca tử vong nào. Trong khi đó các biến chứng của sốt xuất huyết rất nặng nề, thậm chí là tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng do chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu phòng tránh virus Zika nên việc người dân chủ động phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là việc tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau: 1. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng. 2. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch. 3. Các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nếu có dịch xảy ra nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. 4. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước. 5. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân. 6. Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Zika; hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. |