Sau khi đạp ngã xe và cướp giỏ xách có chứa iPhone 6 Plus của chị Hà, kẻ cướp còn liều lĩnh gọi điện cho nạn nhân để hỏi mật mã điện thoại.
Trong thời gian vừa qua, những vụ cướp giật liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Đáng nói là trường hợp của chị Q.Hà (ngụ Q.7, TP.HCM), bị đạp xe cướp giỏ xách chứa toàn bộ giấy tờ tùy thân, tiền bạc cùng một chiếc điện thoại iPhone 6 Plus.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h ngày 6.3, trước chung cư Sunrise (Q.7). Để có manh mối về bọn cướp, chị Hà đã sử dụng iCloud (một tính năng bảo mật quan trọng trên iPhone) để gửi thông điệp kèm số điện thoại liên hệ tới kẻ cướp.
Một vụ cướp giật xảy ra vào đầu năm 2016 (Ảnh cắt từ camera an ninh)
Đến trưa ngày 8.3, chị Hà nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại di động 09385947xx. Người gọi tự xưng tên Hải, là cảnh sát hình sự thuộc Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM). Theo người này, lực lượng chức năng đã điều tra, bắt được 2 kẻ cướp giỏ xách của chị do chúng liên quan tới một vụ tông xe.
Sau một vài thông tin trao đổi, dò hỏi về đặc điểm nhận dạng của chiếc điện thoại, người này hỏi mã khóa màn hình iPhone, rồi hỏi thêm mật khẩu iCloud để kiểm tra. Theo chị Hà, mặc dù kẻ gian có cách trao đổi mang đậm tính nghiệp vụ của công an, nhưng chị vẫn cảnh giác và đã cung cấp mã khóa màn hình, mật mã iCloud sai. Không lâu sau, thuê bao trên đã không còn liên lạc được.
Qua kiểm tra, đại diện Công an Q.Phú Nhuận khẳng định, cơ quan này đã từng bắt được nhiều đối tượng trộm cắp, nhưng không có trường hợp nào liên quan tới nạn nhân và kẻ cướp như các thông tin nêu trên.
Những chiếc điện thoại iPhone bị khóa màn hình hay khóa iCloud được mua lại với giá rất rẻ, nên kẻ cướp thường liều lĩnh liên lạc lại với nạn nhân.
Cách đây 2 tuần, một du học sinh Canada tên Uyển đã bị giật giỏ xách ngay tại trung tâm Q.1. Sau đó, có người giả danh công an gọi tới chị để hỏi thông tin liên quan tới vụ cướp, trong đó có thông tin liên quan tới mã khóa iPhone.
Một cán bộ điều tra Cục Cảnh sát Hình sự (thuộc Bộ Công an) khuyến cáo: Đã có nhiều trường hợp kẻ gian giả danh công an, liên lạc lại với nạn nhân để xin thêm thông tin nhằm chiếm đoạt các tài sản giá trị đang được bảo mật, như thông tin cá nhân, mật mã điện thoại, thậm chí cả mã PIN thẻ ATM,…
Theo vị cán bộ này, nếu không tinh ý, nạn nhân rất dễ bị kẻ gian lừa gạt, bởi chúng có cách nói chuyện rất “cứng”. Đặc điểm chung là chúng thường sử dụng số điện thoại di động để liên lạc thay vì số điện thoại bàn. Do đó, trong các trường hợp bị mất tài sản mà được cơ quan chức năng gọi điện thông báo tìm lại được, nạn nhân chỉ cần hỏi rõ cơ quan, đơn vị để sau đó trực tiếp đến xác minh, làm các thủ tục còn lại.
Điện thoại iPhone có tính năng khóa màn hình và bảo mật bằng iCloud rất mạnh. Trong trường hợp bị mất iPhone, người dùng có thể soạn thông điệp để gửi tới người đang cầm điện thoại thông qua iCloud.com, và thông điệp này sẽ hiển thị trên màn hình khóa. Ngoài ra, người dùng còn có thể chọn chế độ khóa máy, xóa sạch dữ liệu từ xa ngay khi chiếc điện thoại kết nối internet.