Do không rành tiếng Anh nên thay vì trả 16 triệu đồng, vị khách này phải trả hơn 40 triệu đồng cho chiếc iPhone 6. Không đồng ý, anh đã quỳ gối, khóc van xin cửa hàng trả lại tiền.
Sự việc vừa diễn ra tại một cửa hàng điện thoại di động ở khu Sim Lim Square, Singapore. Theo tờ Straits Times và Stomp, anh Pham Van Thoai, 30 tuổi, đã tuyệt vọng quỳ xuống van xin nhân viên cửa hàng trả lại số tiền vừa đưa để mua chiếc iPhone 6. Tuy nhiên, cửa hàng này chỉ hoàn trả chưa đến một nửa số tiền.
Anh Pham Van Thoai bật khóc tại cửa hàng.
Được biết, anh Thoai cùng bạn gái đi du lịch Singapore và muốn mua tặng cô chiếc iPhone 6 làm quà sinh nhật. Anh cho biết, mình làm công nhân với thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng nên phải mất nhiều tháng mới tiết kiệm được số tiền này.
Anh Thoai đồng ý trả 950 SGD, khoảng 16 triệu đồng cho chiếc iPhone 6 và thanh toán bằng tiền mặt. Đến lúc gần ra về, nhân viên cửa hàng Mobile Air gợi ý anh mua gói bảo hành một hoặc 2 năm. Do không rành tiếng Anh và nghĩ Singapore là nơi mua sắm an toàn nên anh Thoại đồng ý mua gói một năm. Vì nghĩ là... miễn phí nên vị khách này đã ký tên mà không xem kỹ hóa đơn.
Cửa hàng Mobile Air.
Thế nên, anh Thoai đã không ra về với chiếc iPhone 6 như mong muốn mà cửa hàng buộc anh phải trả thêm 1.500 SGD (khoảng 25 triệu đồng) cho gói cước này. Vị khách người Việt ngạc nhiên và muốn trả điện thoại lấy tiền nhưng không được đồng ý. Bất lực, anh liền quỳ xuống, khóc lóc van xin được hoàn tiền. Tuy nhiên, lúc này, nhân viên của Mobile Air chỉ cười cợt và không có người đi đường nào đến giúp anh.
Sau đó, nhân viên cửa hàng đồng ý nhận điện thoại và trả cho anh 600 SGD (khoảng 10 triệu đồng) nhưng bạn gái anh từ chối muốn đòi nốt 350 SGD còn lại nếu không sẽ gọi cảnh sát. Nhân viên cửa hàng tuyên bố, nếu cô gọi cảnh sát sẽ không có bất kỳ số tiền nào được trả lại. Dù vậy, người bạn gái của anh Thoai quyết định gọi cảnh sát.
Khi cảnh sát đến, do hóa đơn có chữ ký nên anh Thoai chỉ được nhận 70 SGD (hơn 1 triệu đồng).
Với sự can thiệp của Hội bảo vệ người tiêu dùng, anh Thoai được nhận lại 400 SGD. Vì phải quay về Việt Nam trong 2 ngày tới nên anh Thoai không chắc chắn hiệp hội sẽ giúp anh lấy lại số tiền còn lại.
Theo Hội bảo vệ người tiêu dùng, đã có 14 vụ khiếu nại của khách hàng tới Mobile Air do sự "mập mờ" cửa hàng này từ thàng 7 đến tháng 9 vừa qua. Sự việc bị cư dân Singapore lên án mạnh mẽ và kêu gọi tẩy chay cửa hàng vì hành động gian lận, bắt chẹt người mua.
Chia sẻ về vấn đề này, một người Việt sống tại Singapore hơn 6 năm có tên Facebook là Người Hay Ăn bức xúc cho biết: "Nếu nói về lừa đảo một cách hợp pháp thì người Singapore giỏi và thô nhất. Mình dính vài vụ hồi mới qua Sing như với môi giới nhà đất, nhà hàng ở khu vực nhiều khách du lịch và các thợ sửa chữa vặt vãnh. Mình từng nghe rất nhiều người Việt kêu ca về chuyện bị lừa với chiêu thức y chang: lợi dụng việc khách không rành cặn kẽ tiếng Anh, lừa cho họ đồng ý mua hàng rồi ký vào giấy, khi khách hiểu ra là điều kiện đó không phù hợp với mình, không đồng ý nữa, gọi cảnh sát hay người quen rành tiếng Anh tới can thiệp giúp thì chả làm được gì chúng cả, vì cảnh sát cũng nói ký rồi thì phải chịu.
Về lý thì bên bán hàng đúng, nhưng điều làm mình thất vọng ghê gớm là cảnh sát ở đây hầu như chẳng làm gì xa hơn để giúp đỡ du khách, còn chính quyền thì cứ như không biết là chuyện này xảy ra như cơm bữa và từ lâu. Nếu họ thực sự coi trọng hình ảnh của đất nước họ như họ vẫn đang luôn nghĩ và hành động thì đây là lúc họ thực sự phải truy quét một lần cho xong.
Chủ cửa hàng trả lời báo chí sau sự việc.
Cửa hàng được nêu tên trong bài viết dưới đây là MobileAir, ở số 41, tầng 1 của Sim Lim Square, từng bị khiếu nại 14 lần trong vòng 3 tháng, thế mà nó vẫn thù lù ra đấy, vô tư lừa bịp khách hàng, lại còn du côn tới độ khi khách đòi hoàn trả lại tiền, không mua hàng nữa thì đem bao tiền xu của 1.010 $ ra quẳng cho khách (thông tin từ news).
Chuyện này làm mình nhớ tới khu vực nhà hàng hải sản dọc Boat Quay vài năm trước đây. Giữa lòng phố Singapore rõ sáng sủa, văn minh vậy mà hàng ăn lừa đảo, chặt chém hơn Hạ Long hay Sầm Sơn những năm 90. Hồi mình mới từ Thuỵ Sỹ qua cũng hay ngồi ở khu này nhưng một lần bị chặt chém dã man nhất là khi gọi một món cá mà cá cần được cân nguyên con (mình không hề nhìn thấy), cái bill gần 800 $ cho 3 người với một bữa tối. Mãi năm kia gì đó, do quá tai tiếng nên chính quyền Sing mới dẹp loạn, không cho các nhà hàng xuống lòng đường gọi khách nữa và khu này bây giờ vắng như chùa Bà Đanh.
Về các trung tâm bán đồ điện tử sầm uất và có tiếng là có giá rẻ đặc biệt như Sim Lim, mình thực sự không mua gì ở đó bao giờ nên không đến nhưng có tìm hiểu thông tin từ lâu và được biết, nếu bạn mua được hàng ở đây với giá thấp thì phải chấp nhận việc đó là món hàng đã được sử dụng, còn mới, trong thời gian bảo hành và bị khách trả lại, họ tút lại, đem bán, hoặc nguồn hàng có sự trà trộn, mập mờ.
Mình cũng đã nói rất nhiều lần khi bạn bè cứ hỏi mua các sản phẩm của Apple ở những trung tâm thương mại có tiếng là "giá rẻ" này rằng Apple không thể có giá chênh lệch như vậy giữa các cửa hàng trong cùng một đất nước nhỏ xíu như Singapore, nếu nó rẻ bất thường thì chỉ có thể là hàng rởm hoặc được tút lại vì trục trặc, chỉ nên mua ở các cửa hàng bán đồ Apple chính thức, được phân bổ đủ dày, tiện lợi cho khách hàng.
Thật khó hiểu khi các bác trai từ Việt Nam qua cứ nằng nặc đòi ra China town để mua iPad, iPhone, ở những cửa hàng mập mờ tên tuổi".