“Xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt”, chẳng phải lên rừng, vượt biển, chỉ cần nhìn số tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên cũng đủ biết “kho báu” của bà Trương Mỹ Lan thật sự đang ở đâu.
Trên mạng xã hội, nhiều người đang “đu trend” rằng “kho báu của bà Trương Mỹ Lan” ở ngoài khơi. Ngoài đời, những người được thi hành án (dân sự) trong vụ Vạn Thịnh Phát hẳn rất quan tâm đến “kho báu” – tài sản của bà Lan – đang ở đâu, có đủ để đảm bảo thi hành án hay không…
Hơn một tuần qua, trend “Ra khơi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan” xuất hiện, “quần thảo” đầy trên facebook, zalo, tiktok… Người người “ra khơi online” đi tìm kho báu bằng các bức ảnh chế, các clip lồng ghép hình ảnh người dân đi thuyền, vượt biển, lặn dưới biển để… tìm kho báu của bà Lan.
Rất nhiều fanpage trên Facebook với tiêu đề "Ra khơi đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan" với hàng chục ngàn người tham gia. Ảnh: ĐẶNG LÊ
1.
Nhiều người cho rằng trend này có thể bắt nguồn từ sự trùng hợp của việc bà Trương Mỹ Lan bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình kèm trách nhiệm dân sự hơn 673.000 tỉ đồng với chuyện người đàn ông xin chính quyền cho khai thác kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty (Bình Thuận). Cũng có người cho rằng nó bắt nguồn từ clip dùng hình ảnh Trương Mỹ Lan tại tòa lồng ghép nội dung chế bà Lan trả lời HĐXX rằng “đang cất giấu tiền ngoài biển”.
Chưa ai xác nhận trend này bắt nguồn chính xác từ đâu, song động thái mới nhất của một luật sư của bà Lan đã khiến cho không ít người phải giật mình: Luật sư yêu cầu cơ quan chức năng truy tìm và xử lý người tạo ra trend này.
Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ Vạn Thịnh Phát, HĐXX không hỏi bà Trương Mỹ Lan về số tiền 673.000 tỉ đồng được cất giấu ở đâu. Đây là số tiền được chốt tại phần tuyên án, theo đó, tòa tuyên buộc bà Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay tương đương hơn 673.000 tỉ đồng.
Rõ ràng bà Lan không trả lời tòa những nội dung như trong đoạn clip nói trên. Do đó, nội dung của clip ấy không đúng với diễn biến phiên tòa, không đúng với lời nói của HĐXX. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng về việc thông tin bịa đặt, sai sự thật… và có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức (cá nhân thì nửa mức này) theo Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022).
Tuy vậy, những người chơi mạng xã hội dễ dàng nhận thấy nội dung ghép, chế trong clip ấy là để vui đùa chứ không nhằm xuyên tạc sự thật hay xúc phạm ai. Song, mọi chuyện có lẽ phải đợi kết luận của cơ quan chức năng mới tỏ tường. Có điều, dân mạng hay nói “vui thôi, đừng vui quá” với hàm ý mọi chuyện nên có điểm dừng, nếu quá đà có khi… vi phạm Luật An ninh mạng và bị phạt như chơi!
2.
Tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát ngày 11-3, bà Trương Mỹ Lan từng khai về những chuyến xe bí mật chở hơn 100.000 tỉ đồng rời khỏi SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc Hầm B1, Tòa nhà Sherwood... Số tiền này không biết cuối cùng bà Lan làm gì, có… “cất giấu ngoài khơi” hay không. Nhưng có một số “kho báu” khác của bà Lan đã được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được địa chỉ và đã tiến hành thủ tục kê biên để đảm bảo thi hành án.
Đó là căn biệt thự cổ tại số 110 - 112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM (giá trị mua vào 35 triệu USD); đó là 1.000 tỉ đồng mà tòa đã tuyên buộc ông Nguyễn Cao Trí trả lại cho bà Lan; đó là 2.883 tỉ đồng nếu Quốc Cường Gia Lai trả lại để được gỡ kê biên 6 bất động sản và nhận lại sổ hồng…
Đặc biệt, bà Lan cũng có hàng loạt bất động sản trải dài tại các quận 1, 3, 4, 7, Phú Nhuận (TPHCM); 76 bất động sản tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai do người khác đứng tên hộ… Tổng thể, có 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan bị kê biên trong quá trình giải quyết vụ án.
Ngoài ra, bà Lan cũng đã ủy quyền cho con gái rao bán dự án Capital Place Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) trong quá trình xét xử, giá rao bán lên đến 1 tỉ USD…
Đúng là “xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt”, chẳng phải lên rừng, vượt biển, chỉ cần nhìn giá trị của số tài sản trên cũng đủ biết “kho báu” của bà Trương Mỹ Lan thật sự đang ở đâu. Chỉ có điều, những “kho báu” này cuối cùng cũng phải dùng vào việc thi hành án mà thôi. Đây là hậu quả tất yếu của việc tạo nên “kho báu” từ những đồng tiền do phạm tội mà có. Những lâu đài được xây trên cát chỉ cần một cơn sóng cũng vỡ tan.
Tại cuộc họp báo quý I/2024 của Bộ Tư Pháp mới đây, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án (Bộ Tư pháp) cho biết ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án Vạn Thịnh Phát, các tài sản là vật chứng đã được chuyển sang cơ quan thi hành án. Tổng cục thi hành án đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý vật chứng đó để đảm bảo thi hành án về sau. Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết khi bản án vụ Vạn Thịnh Phát (phần dân sự) có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật. |