“Điềm” là hiện tượng tự nhiên báo trước biến cố sắp xảy ra. Chẳng hạn, bát đĩa bị vỡ trong ngày đầu năm mới, người ta tin đó là điềm báo cho sự đổ vỡ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Viện phó Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người cho rằng, người Việt quan niệm ngày mồng 1 Tết là ngày đại diện cho cả năm. Do vậy, nếu ngày này gặp “điềm tốt”, cả năm sẽ may mắn, ngược lại, gặp “điềm xấu” sẽ xui xẻo cả năm. Do vậy, người Việt thường có nhiều điều kiêng kỵ trong ngày tết để tránh “điềm xấu”.
Ông lý giải, “điềm” là hiện tượng tự nhiên báo trước biến cố sắp xảy ra. Ví dụ như trong nhà có cái bát, cái gương bị vỡ, người ta tin đó là điềm báo cho việc chẳng lành. “Không ai tổng kết được việc đúng sai đến đâu, nhưng qua những điềm báo, người ta nghiệm lại thấy nhiều điều dường như là có thật”, ông cho hay.
Theo quan niệm dân gian, nếu cho lửa là cho mất đi cái “đỏ” của mình.
Ông Hải cũng cho rằng, “điềm” là hiện tượng “ngẫu nhiên song hành”, “nó” cùng xảy ra, không phải cái này là nguyên nhân của cái kia. Ví dụ, năm 1976, tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, có trận mưa thiên thạch.
Trước đó, trong lịch sử Trung Quốc có nhiều trận mưa thiên thạch rơi trước khi một số “đại nhân vật” qua đời, do vậy người ta tin trận mưa thiên thạch năm 1976 là điềm báo chẳng lành. Cùng năm đó, Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời.
Nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian (thuộc Bảo tàng DTH Việt Nam) - ông Vũ Hồng Thuật cho rằng, một số tục kiêng kỵ tạo nên những nét riêng cho ngày Tết. Nguyên nhân từ việc quan niệm ngày mùng 1 tết là mở đầu một năm, giao thời năm mới, năm cũ nên người ta kiêng kỵ điều xấu để được an toàn và may mắn trong cả năm.
Một vài tục kiêng ngày tết của người Việt
Kiêng quét nhà: Nhà nghiên cứu Vũ Hồng Thuật cho rằng, người việt có quan niệm, trong ngày tết ông thần tài ở đâu đó trong nhà. Nếu quét nhà sẽ quét luôn cả ông thần tài đi. Do vậy, trước giao thừa phải quét nhà sạch sẽ để ngày tết không phải quét.
Kiêng cho lửa: Theo nhà nghiên cứu Vũ Hồng Thuật, trong quan niệm dân gian, lửa màu đỏ là tượng trung cho “vận đỏ”, may mắn. Nếu cho lửa là cho mất đi cái “đỏ” của mình.
Kiêng làm vỡ chén bát: Vỡ bát chén biểu tượng cho sự rạn nứt, tan vỡ trong cuộc sống. Do vậy, nếu làm vỡ bát chén trong ngày tết, người ta tin đó là điềm báo cho sự đổ vỡ xảy ra trong năm đó.
Kiêng đổ rác: Tục kiêng đổ rác xuất phát từ câu chuyện, có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng nàng hầu tên là Như Nguyệt. Ông trở nên giàu có, tiền bạc đầy nhà. Năm ấy, vào ngày mồng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông lại nghèo như xưa.
Cũng có quan niệm cho rằng, hồn vạn vật ẩn chứa trong rác rưởi, hồn lúa ẩn chứa trong cọng rơm khi đốt hoặc vứt sẽ làm mất đi các linh hồn.
Kiêng nói tục, cãi nhau, nói giông: Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may mắn bởi sẽ bị giông cả năm.
Kiêng tắt bếp: Bởi người ta tin rằng, nếu bếp “lạnh tanh” nghĩa là không có gì để nấu ăn. Do vậy, sau khi nấu cơm cúng tất niên xong, không dược tắt lửa, đổ trấu vào để giữ lủa. Bếp luôn đỏ lửa ngày tết thì cả năm sẽ có nhiều thứ để nấu ăn. Tuy nhiên, tục kiêng này bị mai một bởi giờ đây người dan dùng nhiều đến bếp từ, bếp ga.
Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2: Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần.
Kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xui xẻo. Một số vùng miền Trung không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Có nơi kiêng ăn cá mực vì sợ “đen như mực”.
Kiêng mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng, ngày vui của toàn dân tộc. Gia đình phải tạm gác nỗi buồn, chờ qua 3 ngày tết mới được mai táng. Hiện nay, nhiều nơi chỉ kiêng mai táng ngày mùng 1 Tết.