“Con bé mũi tây” bưng một cái rổ, có dây đeo ở cổ, bán hàng rong quanh ngã ba Diệp Kính... là hình ảnh tuổi thơ nghèo khổ của Phi Nhung.
Ngưỡng mộ là hai từ đầu tiên những người lớn tuổi ở TP.Pleiku (Gia Lai) nói đầu tiên khi nhắc đến Phi Nhung. Hình ảnh tuổi thơ "cô bé hàng rong" được người quen biết kể lại khiến người nghe thương cảm.
Cổng nhà thờ ngã ba Diệp Kính nơi ngày nhỏ Phi Nhung bán hàng rong
Bà Nguyễn Thị Hằng (56 tuổi, trú tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku) nói: “Ngày ấy, những năm 1979, 1980 tôi ấn tượng về một con bé "mũi lõ giống tây" chuyên bưng một cái rổ, có dây đeo quanh cổ, bán hàng rong quanh ngã ba Diệp Kính. Tôi khi đó là thiếu nữ mỗi lần đi dự lễ tại nhà thờ Diệp Kính đều nhìn thấy con bé nhẹ nhàng chào bán mấy cái kẹo, cùng với một số đứa trẻ khác.
Lớn lên, tôi đi lấy chồng cũng quên hình ảnh của con bé. Nhưng cuối những năm 90, tôi thấy một ca sĩ Phi Nhung hải ngoại hát rất hay, nhìn quen quen, nhớ hình như đã gặp đâu đó. Tôi tò mò tìm hiểu mới ngỡ ngàng vì đó chính là "con bé bán bưng" mình thường gặp hồi trước”.
Đường Phan Bội Châu (rẽ bên tay trái) là ngõ hẻm đường Hùng Vương ngày xưa Phi Nhung sinh ra và sống thời thơ nghèo khổ
Ông Hồ Thảo, 57 tuổi, trú tại đường 17/3, TP.Pleiku tâm sự: “Mẹ tôi bán bún vỉa hè ngay ngã ba Diệp Kính nên tôi không lạ gì Phi Nhung thời thơ ấu. Cứ tối đến có một con bé mũi tây, khoảng 9 tuổi bưng cái rổ, có dây đeo ở cổ bán hàng rong. Những đứa trẻ cùng bán hàng rong hay đuổi và miệt thị vì Phi Nhung là con lai. Ngày đó tôi không tên con bé, chỉ nghe mọi người gọi "con bé mũi Tây".
Theo tôi nhớ, nhà bé Phi Nhung ngày đó nằm sau trong ngõ hẻm đường Hùng Vương, nay con hẻm đó được mở rộng thành đường Phan Bội Châu. Bé bán đủ mọi thứ, từ kẹo bánh đến vài chai nước. Mẹ tôi còn kể, có lần bé Phi Nhung "mũi Tây” bị mấy đứa trẻ tranh bán hàng đuổi đánh, chính mẹ tôi đến can ngăn. Rồi có lần tôi ra chỗ mẹ bán búi hỏi mẹ sao không thấy "con bé mũi Tây" đâu. Mẹ nói, nghe đâu mẹ "bé mũi Tây" mất, nó về quê ngoại dưới Bình Định rồi”.
Hôm nay nghe tin Phi Nhung qua đời, mọi người ở Gia Lai đều thương tiếc.
“Đọc trên báo chí, tôi hiểu đầy đủ cái khổ của Phi Nhung thời nhỏ. Tôi tin chính Phi Nhung có tuổi thơ nghèo khổ để cô thương người, thường đời hơn khi đã thành danh. Ngày nay, có nhiều chuyện nghi ngờ nghệ sĩ làm từ thiện không thực tâm, nhưng với Phi Nhung, tôi tin em ấy là người ca sĩ trong sáng, có cái tâm từ thiện tốt. Vì em ấy, từ người mồ côi, nghèo khổ đi lên, nên em ấy mới thương trẻ mồ côi đến vậy”, ông Hồ Thảo nói.
Ngã ba Diệp Kính thời tuổi thơ mưu sinh của Phi Nhung
Phạm Phi Nhung sinh năm 1970 tại Gia Lai, là ca sĩ hải ngoại. Cô nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, dân ca. Cô sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mẹ qua đời năm cô được 10 tuổi.
Sau khi mẹ qua đời Phi Nhung chuyển từ Gia Lai về Bình Định và sống luân phiên ở nhà ngoại, nhà các dì, cậu ruột. Ở nhà họ hàng, cô làm hết việc nhà đỡ đần người lớn, từ rửa chén, dọn dẹp, lau chùi đến chăm đàn heo đều thành thục.
Trong chương trình “Ký ức vui vẻ”, cô từng tiết lộ vì là con lai nên thời đi học, Phi Nhung thường xuyên bị bắt nạt, hàng xóm xầm xì. Bản thân cô chỉ được theo học đến hết lớp 6, sau đó làm nghề may kiếm sống.
Từ nhỏ, Phi Nhung đã thích nghe cải lương, dân ca và ước ao trở thành ca sĩ. Năm 1989, Phi Nhung được sang Mỹ. Tại đây, cô có thời gian khó khăn khi vừa làm dọn dẹp khách sạn, ban đêm tranh thủ thời gian may vá thuê. Sau đó, cô đi làm công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm.
Sau này, Phi Nhung gặp ca sĩ hải ngoại Trizzie Phương Trinh và được ca sĩ này giúp đỡ. Nhận thấy Phi Nhung có khả năng ca hát, Trizzie Phương Trinh chủ động khuyên Phi Nhung sang California để thực hiện ước mơ.
Cũng tại đây, sự nghiệp ca hát của cô dần rộng mở dưới sự giúp đỡ của Trizzie. Chất giọng khàn khàn, da diết và tình cảm của Phi Nhung được nhiều người yêu mến.
Nữ ca sĩ được mệnh danh là ca sĩ có nhiều con nuôi nhất. Phi Nhung nhận nuôi 23 đứa trẻ mồ côi. Một số sống cùng nhà với cô, số còn lại sống ở chùa Pháp Lạc (Bình Phước).
Phi Nhung nhận nuôi 23 trẻ thơ nghèo khó
Cuộc sống của cô chỉ xoay quanh tập trung cho nghệ thuật, vừa kết hợp tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội. Nhiều năm qua, Phi Nhung dành phần lớn cát xê để tham gia các hoạt động từ thiện của cộng đồng, thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử tại chùa Pháp Lạc (Bình Phước), quỹ từ thiện Phi Nhung Charitable Fund…
Cô luôn tích cực với công tác thiện nguyện. Ngay cả khi trước khi nhiễm bệnh, Phi Nhung đã hết mình với việc hỗ trợ người dân Sài Gòn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, từ cung cấp nhu yếu phẩm, làm bếp ăn thiện nguyện...