Dù cả gia đình phải sống cảnh chật chội trong căn nhà vài mét vuông, nhưng nhiều người không biết phải đi đâu nên đành cắn răng chịu đựng sống cho hết cuộc đời.
Gia đình 3 người sống dưới gầm cầu thang 2m2
Bước chân đến những con phố cổ Hà Nội như Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Vải, Hàng Đào..., ấn tượng đầu tiên mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đó sự sầm uất với những hoạt động buôn bán náo nhiệt. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn phía sau các con ngõ nhỏ là cảnh sống thiếu thốn, khổ sở khi cả gia đình phải ở trong những căn nhà "chẳng ra hồn nhà".
Trên con phố Hàng Vải, ai cũng biết đến gia đình bà Hoàng Thị Dung (61 tuổi) khi phải sống dưới gầm cầu thang gần 30 năm qua. Từ khi lấy chồng về phố cổ, cuộc sống của bà Dung gắn liền với quán nước đầu đường, thời gian bà ở đây còn nhiều hơn ở nhà.
Trên phố cổ, rất nhiều gia đình phải sống ở gác xép, gầm cầu thang với diện tích nhà chỉ vài m2
Năm 37 tuổi, bà Dung (quê ở Hưng Yên) lấy chồng về phố cổ qua mai mối. Những ngày đầu về nhà chồng, bà chưa chuyển ra gầm cầu thang mà ở cùng đại gia đình (khoảng 10 người) trong căn nhà hơn 16m2. Bà Dung vẫn còn nhớ đêm đầu tiên về nhà chồng, do lạ nhà không ngủ được bà thì thào tâm sự với chồng đến khuya, hai vợ chồng đang tính chuyện “yêu đương” thì mẹ chồng thức dậy. Vậy là kế hoạch đổ bể, bà thức luôn đến sáng trong đêm tân hôn.
Sau này khi chuyển ra gầm cầu thang sinh sống, vợ chồng bà sinh được một người con gái. Nhưng diện tích nơi ở của bà chỉ vỏn vẹn 2m2 nên mọi sinh hoạt cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi con gái đến tuổi đi học.
Bà Dung sống ở quán nước nhiều hơn ở nhà, điều bà lo lắng là tương lai đứa con gái.
Nhà chật, điều kiện kinh tế khó khăn, hai vợ chồng bà Dung nhiều lúc phải nhịn “yêu”, không dám sinh thêm con. Giờ đây khi tuổi đã cao, điều an ủi duy nhất của vợ chồng bà Dung là đứa con gái đã học xong đại học, đang thử việc tại một công ty tư nhân. Mong muốn lớn nhất của bà Dung lúc này là con có việc làm ổn định, rồi ai đó hiểu cuộc sống khó khăn gia đình đang đối mặt thì bà sẽ gả chồng cho con, còn cuộc đời bà đến tầm này sống sao cũng được.
Cuộc sống cùng cực nhưng nghĩ vì con nên phải cố
Không chỉ riêng gia đình bà Dung, trên phố cổ còn nhiều gia đình khác lâm vào tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Sâm năm nay 70 tuổi, sống trong con ngõ 107 Hàng Bạc suốt 33 năm qua. Nơi bà ở là một túp lều đúng nghĩa được gia cố bằng những tấm tôn xung quanh.
Trong con ngõ 107 Hàng Bạc, không chỉ bà Sâm mà nhiều gia đình sống cảnh chật chội nhiều năm qua.
Bà Sâm đến với chồng cũng nhờ mai mối khi đã ở cái tuổi quá lứa, lỡ thì. Ngày đầu tiên về nhà chồng, bà đã phải tháo chạy ngay trong đêm động phòng vì không thể tưởng tượng được nơi mình ở lại tồi tệ đến vậy. Sau đó, vì sợ gia đình mang tiếng, bà đã quay về và gắn bó với nơi đây. “Thực sự, khi có con rồi tôi không thể bỏ con mà đi. Tôi cố bám trụ và chấp nhận ở đây là vì con. Giờ đã 70 tuổi, tôi cũng chẳng thiết đi đâu nữa”, bà Sâm nói.
Cuộc đời bà Sâm coi như an phận nơi đây, nhưng điều người mẹ già lo lắng đó là cuộc sống, tương lai của hai đứa con bà. “Con trai lớn đã lấy vợ ra ở riêng vì con nhỏ không thể ở nơi này được. Còn đứa con gái thứ 2 vẫn ở đây cùng với vợ chồng tôi, không biết sau này khi dẫn bạn trai về nhà họ có bỏ chạy giống tôi ngày xưa không”, bà Sâm lo lắng.
Gần 40 năm qua, bà Sâm sống vì con nên chấp nhận sống cảnh chật chội trong căn nhà nhỏ xíu.
Rời con phố Hàng Bạc, chúng tôi đến với phố Hàng Buồm nơi có nhiều con ngõ nhỏ tối đen như mực. Theo lời kể của những người sinh sống tại đây, chuyện vợ chồng bỏ nhau vì nhà chật chội xảy ra trên con phố này nhiều không đếm xuể.
Ông Xuân ở ngõ 44 phố Hàng Buồm là một ví dụ điển hình, khi vợ ông dứt áo ra đi, để ông một mình gà trống nuôi con trong căn nhà chỉ 5 mét vuông gần 20 năm qua. Theo lời kể của ông Xuân, con phố này không chỉ gia đình ông mà có con ngõ có 10 gia đình thì cả 10 đều bỏ nhau vì nhà chật.
Ông Xuân cho biết, chuyện gia đình lục đục, bỏ nhau vì nhà chật nhiều không đếm xuể ở phố cổ.
“Trong con ngõ ấy, giờ có người tái hôn, nhưng có người vẫn ở vậy một mình. Như tôi chẳng hạn, vợ bỏ đi gần 20 năm rồi nhiều lúc muốn có người bầu bạn nhưng nghĩ nhà mình chẳng ra hồn nhà lấy vợ về chỉ làm khổ người ta, thế là tôi ở vậy một mình”, ông Xuân nói.
Khó khăn là vậy, dù rất muốn chuyển đi nơi khác không phải là phố cổ để sinh sống, nhưng những người như bà Dung, ông Xuân hay bà Sâm chẳng biết phải đi đâu và sống như thế nào nếu rời nơi ở đã gắn bó nửa đời người dù nó chỉ vài mét vuông.