Thậm chí có nhiều người cảm thấy sợ Tết chỉ vì nghĩ đến chuyện chuẩn bị phong bao lì xì.
Lì xì là một phong tục có từ lâu đời. Người lớn lì xì cho trẻ nhỏ với lời chúc hay ăn chóng lớn, học hành có thành tích tốt. Người trẻ mừng tuổi cho người lớn cùng lời chúc mừng sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi vui vầy cùng con cháu.
Tuy nhiên, cũng có không ít những câu chuyện về lì xì ngày đầu năm khiến người trong cuộc ngượng ngùng.
Như trường hợp của anh T. tại quận Đống Đa, Hà Nội. Đến chúc Tết nhà người quen giúp đỡ nhiều năm qua, anh lì xì ngay cho con chủ nhà phong bao 500 nghìn đồng. Cùng lúc đó, anh họ của bé cũng tới chơi, anh rút ra 50 nghìn đồng mừng tuổi.
Tuy nhiên, cùng lúc ấy, trước mặt nhiều người hai cậu bé đã vô tư mở phong bao. Cậu anh họ phụng phịu so sánh: "Sao bác lì xì cho em ấy nhiều mà cho cháu ít thế".
Đây rõ ràng là một tình huống đến cả người bình tĩnh nhất chắc cũng phải "đơ" mất một lúc vì quá ngại. Theo anh T. ngay sau khi "ngượng chín cả mặt" vì câu nói quá vô tư của cháu bé, anh chỉ biết vội vàng chúc Tết rồi kiếm cớ về nhanh.
Anh S. ở Nghệ An cũng kể về "kỷ niệm thương đau" bởi chuyện trẻ con bóc lì xì ngay trước mặt đông người giống như thế.
Từ trước đến nay, anh S. luôn quan niệm lì xì là để đem lại niềm vui và sự may mắn, không thể nào có chuyện lì xì tiền lớn thì may mắn đến nhiều hơn và ngược lại được.
Anh còn rất chu đáo đổi tiền mới, đôi khi còn dùng tiền ngoại tệ, cho vào phong bao lì xì để mừng tuổi.
Có một lần đến nhà bạn chơi, thấy vài đứa cháu của bạn đang đứng, anh rút phong bao lì xì cho cả 3 người. Tuy nhiên, 3 cháu bé cũng vô tư bóc phong bao và xị mặt ngay lập tức khi nhìn thấy 2 tờ tiền 10 nghìn đồng mới cứng.
"Được có 20 nghìn à, chán thật, bác C. mừng cho 50 nghìn đã không muốn nhận rồi", một đứa bé thốt lên.
Không chỉ anh S. mà bố mẹ đứa bé cũng ngại ngùng. Mẹ bé vội vàng mắng con chữa ngượng. Tuy nhiên, anh S. thì đã quá ngại nên cũng chỉ ngồi chơi thêm vài phút rồi ra về trong ấm ức.
(Ảnh minh họa)
Những câu chuyện mừng tuổi đầu năm trở nên "khó nhằn" với các dâu mới hoặc những cô bạn gái đến chơi nhà bạn trai. Nhiều cô phát sợ việc đến chơi nhà người yêu hay về quê chồng cũng chỉ vì chuyện lì xì thế nào cho phải. Mừng ít chỉ sợ bị chê mà mừng nhiều thì kinh tế không kham nổi.
Bạn trai đang ở nước ngoài, một mình T. ở Hà Nội đến chơi và chúc Tết bố mẹ chồng tương lai. T. mới ra trường nên chẳng có nhiều tiền, nhà bạn trai lại có đến mấy đứa cháu con của hai anh chị trước.
Éo le hơn, T. thậm chí còn quên mang theo ví, trong túi chỉ có vài tờ nhưng mệnh giá tiền đến 500 nghìn. Bởi thế nên T. cứ ngồi chơi trò chuyện mà chẳng dám đả động gì đến chuyện lì xì cho các cháu nhỏ.
Cùng lúc đó có một bà cô khác đến chơi rút phong bao lì xì. Một lúc sau, T. nghe thấy cậu con trai của anh cả nói vô tư với mẹ: "Ai cũng lì xì, có mỗi chị T. chả thấy gì".
T. ngượng quá xin phép ra ngoài có việc tìm cửa hàng tạp hóa, mua hàng để đổi tiền quay lại mừng tuổi cho các cháu của bạn trai tương lai. Dù sao, cô cũng chẳng thể "vung tay quá trán" khi trong túi chỉ còn hai tờ 500 nghìn đồng.
Lì xì là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, hiện tại nó trở nên mất đi nhiều ý nghĩa thực sự bởi các "cuộc chạy đua" trong những chiếc phong bao đẹp đẽ. Người nhận lì xì cũng không còn vô tư xem đó như khoản tiền may mà luôn "cân đo đong đếm" xem nhiều ít ra sao.