Theo luật sư Bình, hành vi đưa hình ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng có thể bị phạt tới 15 năm tù giam.
"Nạn nhân" có hành động "lạ" với trẻ em
Vừa qua mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh và video ghi cảnh trong phòng ngủ của một phụ nữ trẻ, một số trẻ em và người thân. Những video này được cho là là từ hệ thống camera lắp trong phòng ngủ của một ngôi nhà ở Hải Phòng.
Nội dung hơn 40 video tung lên mạng internet cho thấy nhiều hình ảnh nhạy cảm, đặc biệt là video ghi lại cảnh người phụ nữ nằm trên giường trong tình trạng bán khỏa thân (không mặc quần), trong khi 2 bé trai nằm bên cạnh. Trong khoảng thời gian hơn 4 phút, người phụ nữ này để 2 bé trai thoải mái đụng chạm chỗ nhạy cảm trong khi vẫn điềm nhiên bấm điện thoại. Ở đoạn clip khác, còn có sự xuất hiện của một bé gái cùng những hành động tương tự như vừa mô tả ở trên.
Hiện công an phường sở tại (nơi người phụ nữ đang cư trú) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) đã vào cuộc, xác minh thông tin.
Hình ảnh được lan truyền trên mạng
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, nếu các clip, hình ảnh là sự thật, thì hành vi của người phụ nữ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
"Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, thể hiện lối sống bệnh hoạn, lệch lạc mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em, có thể tạo ra những đứa trẻ lệch lạc, bệnh hoạn và tiềm ẩn những hiểm họa cho xã hội", luật sư Bình nói.
Theo quy định của công ước về Quyền trẻ em, Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan thì trẻ em được tôn trọng, được bảo vệ, chăm sóc. Nghiêm cấm mọi hành vi bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em. Hành vi đụng chạm, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ em hoặc để trẻ em sờ mó đụng chạm vào bộ phận sinh dục của mình là hành vi vi phạm pháp luật.
"Nếu hình ảnh, video nói trên là chân thực, không bị cắt ghép, chỉnh sửa thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ này về tội quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trường hợp nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cụ thể xử lý về tội danh nào thì cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật", luật sư Bình phân tích.
Người tung video có thể đối diện với 15 năm tù
Điều mà dư luận cũng quan tâm, là những đối tượng tung các video, hình ảnh này lên mạng xã hội sẽ bị xử lý thế nào? Bởi đây không phải lần đầu tiên kẻ xấu tung hình ảnh nhạy cảm, riêng tư được ghi lại bằng camera an ninh của người khác lên mạng xã hội và nền tảng internet. Trước đó không lâu, một nữ ca sĩ nổi tiếng trong nước cũng bị kẻ xấu thực hiện hành vi này.
Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, hành vi phát tán clip nóng nói chung, tùy vào tính chất, mức độ của từng vụ việc cụ thể để xác định hành vi đó xâm phạm quyền nhân thân theo pháp luật dân sự hay cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, việc đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy cũng có thể xếp vào hành vi bị Luật An ninh mạng nghiêm cấm.
"Với trường hợp của người phụ nữ trẻ này, kẻ tung hơn 40 đoạn clip có hành vi đưa lên mạng internet hình ảnh riêng tư nhằm mục đích bêu rếu, làm nhục cô ấy, có thể cấu thành tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, dưới góc độ an ninh mạng, người vi phạm có thể bị truy tố tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác tại Điều 289 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, người phạm tội đã truy cập trái phép vào mạng máy tính và đánh cắp dữ liệu trái phép từ camera nhà riêng của người phụ nữ trẻ.
Hình phạt trong các tội danh liên quan đến việc phát tán hình ảnh riêng tư, nhạy cảm có thể lên tới 15 năm tù giam.
Ngoài ra, theo luật sư Bình, từ việc truy cập trái phép này mà người phạm tội sử dụng dữ liệu chiếm đoạt đó để thực hiện các hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý theo hành vi phạm tội đó.
"Tuy nhiên, việc áp dụng để khởi tố hình sự hay phạt hành chính đều phải xét về tính chất, mục đích và hậu quả thiệt hại do các hành vi đó gây nên. Bởi lẽ, hậu quả thiệt hại của mỗi trường hợp nói trên (nếu có) và bản chất, mục đích của những người phạm tội là khác nhau", luật sư Bình cho hay.
Luật sư Bình đề xuất, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng để gia tăng trách nhiệm của các chủ tài khoản trong việc sử dụng, cung cấp thông tin cũng như kịp thời xử lý những hành vi trái pháp luật xảy ra như trên. Còn người dân cũng cần tự bảo vệ mình, không nên lắp đặt các thiết bị giám sát ở những vị trí nhạy cảm như phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng tắm và phải quản lý chặt chẽ mật khẩu của những thiết bị ghi hình này.