Quả cóc là trái cây quen thuộc với tất cả mọi người, thế nhưng ít ai biết rằng đọt non và lá cóc non cũng là món đặc sản rất nổi tiếng, không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe.
Quả cóc là một loại trái cây quen thuộc của nhiều người dân vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở Việt Nam. Loại quả này có vị chua thanh, giòn giòn chấm cùng chén muối ớt cay hay mắm ruốc dường như là món ăn khoái khẩu của nhiều bạn trẻ. Ở hai quốc gia Malaysia và Indonesia, quả cóc được xem là thực phẩm phổ biến, ăn kèm với nước sốt đen đặc vô cùng nổi tiếng. Cũng có nhiều nơi chế biến nó như một món xà lách rau quả, làm gỏi và ép lấy nước.
Quả cóc xanh và chín từ lâu đã là món ăn vặt quen thuộc, hấp dẫn của nhiều bạn trẻ.
Quả cóc là trái của cây cóc, có nguồn gốc từ vùng Melanesia – Polynesia của Châu Đại Dương, sau đó du nhập sang nước nhiệt đới. Tại các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… và cả Việt Nam đều có cóc xuất hiện phổ biến trong vườn. Cây cóc có thể cao tới 12m, là loài thân gỗ. Lá cóc là dạng lá kép to, dài từ 20-60cm. Mỗi lá mang từ 7-12 đôi lá chét, mỗi đôi dài từ 6-10cm.
Không chỉ trái cóc mới có giá trị ẩm thực mà lá cóc cũng không thua kém, được xem là một thức rau đặc sản tại nhiều địa phương. Ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, người dân sử dụng phần đọt non của nhánh lá cóc, có màu xanh tươi, vị thơm bùi, hình thuôn tròn, mép có răng cưa như một loại rau. Có thể sử dụng cả phần cọng non, chúng thường có độ giòn và vị chua đậm đà hơn. Lá cóc thường chỉ được thu hoạch vào mùa mưa cho đến đầu mua khô, sau đó cây sẽ chuyển sang màu vàng tươi và rụng để thay lá.
Ít ai biết rằng, ngoài quả cóc thì lá cóc cũng là một loại rau đặc sản của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, có mặt trong nhiều món ăn nổi tiếng
So với trái cóc thì lá cóc ít phổ biến hơn, thậm chí rất nhiều người không biết rằng lá cóc có thể ăn được. Nhưng một khi đã biết tới loại rau đặc sản này, nhiều thực khách sẽ phải lòng vị chua thanh lạ miệng, kích thích vị giác của lá cóc non. Các món ăn được chế biến từ thức rau này có thể kể đến như bánh tráng cuốn thịt hheo ăn kèm lá cóc và rau rừng, canh chua cá lóc và cá cóc, gỏi lá cóc, cá linh kho lá cóc, dùng làm rau sống, rau ghém, ăn kèm các loại thức ăn khác để loại bớt vị ngán…
Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến món canh chua lá lóc, từ lâu đã là món ăn quen thuộc nhưng nức tiếng gần xa của những người dân vùng núi. Vị chua của lá cóc non khi kết hợp cùng vị thơm ngọt của cá lóc càng làm tăng thêm hương vị, khử sạch mùi tanh của cá, làm cho bát canh chua thoang thoảng hương thơm dịu của lá cóc.
Canh chua lá cóc lạ miệng, thơm ngon.
Tại Tây Ninh, cây cóc được trồng rất phổ biến. Người ta lấy quả cóc và lá cóc non làm nguồn thực phẩm dinh dưỡng hằng ngày. Ngày nay, người dân tại đây trồng lá cóc phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ rau rừng của nhiều tỉnh thành phía nam, đặc biệt ở thành thị như TP. HCM. Trung bình lá cóc được bán với giá 10.000 đồng/gr, chưa tính chi phí vận chuyển. Như vậy, 1kg lá cóc có giá dao động gần 100.000 đồng/kg, không hề rẻ so với các loại rau khác.
Lá cóc khá dễ mua, ngoài các sạp hàng rau rừng ở chợ dân sinh hay trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử đều có thể tìm kiếm và đặt mua thức rau rừng dân dã này. Không chỉ xuất hiện trong bữa cơm nhà, lá cóc còn là món ăn đắt khách tại các nhà hàng, quán ăn. Anh Trần Hùng (35 tuổi, TP.HCM), chủ nhà hàng cơm quê tại quận 3, TP. HCM cho biết: “Gỏi lá cóc và canh chua lá cóc là 2 món ăn được nhiều thực khách lựa chọn nhất. Trung bình mỗi ngày, quán sử dụng từ 2-3kg lá cóc để phục vụ các món ăn”.
Rất nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn được chế biến từ lá cóc. Lá cóc ăn sống hay chín đều có hương vị riêng
Chị Thanh Hà (32 tuổi, TP.HCM) cho biết chị rất thích các món ăn chế biến từ lá cóc: “Vị thanh thanh chua dịu nhẹ khá đưa cơm, mỗi lần tới nhà hàng có các món ăn từ loại lá này tôi đều gọi cho cả nhà cùng thưởng thức. Tôi lớn lên ở thành phố nên không biết loại lá này, chỉ ăn trái cóc thôi, mãi tới khi thưởng thức trong nhà hàng mới biết là lá cóc cũng là đặc sản”.
Lá cóc vốn được xem như một loại rau sạch vì chúng cóc sức sống mãnh liệt, chống chọi mọi loại sâu bệnh nên không bị phun hóa chất như các loại rau khác. Lá cóc chứa nhiều dưỡng chất đặc biệt. Trong 100g đọt cóc sẽ có các thành phần dinh dưỡng sau: 8% glucid, 0,5 – 0,8% protein, 0,3 – 1,8% lipid, 0,9 – 3,6% cellulose, 0,4 – 0,7% tro, vitamin C,… vì thế lá cóc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Nó không chỉ có tác dụng giảm cân, giải nhiệt, giảm mỡ máu mà còn kích thích tiêu hóa, chữa viêm mũi dị ứng.