Thứ quả tưởng chừng bỏ đi, thế mà khi được chế biến thành mứt thì cung không đủ cầu, giá khá "chát".
Không giống như cây cau truyền thống lấy quả để các ông các bà ăn trầu, cây cau cảnh (hay còn gọi là cau kiểng) là một loại cây cảnh trồng để trang trí, làm đẹp cảnh quan trong vườn. Ngày nay, ở thành phố và cả các vùng quê, cau cảnh được trồng trồng khá nhiều. Sau khoảng 3 năm, những cây cau có chiều cao chỉ chừng 3 mét và bắt đầu ra trái.
Khi mới ra quả, cau cảnh có màu xanh nhưng sau chừng 1 tháng, trái già chuyển sang màu đỏ, những chùm quả xanh đỏ đan xen trông rất đẹp mắt. Ông Thanh Nhàn (ở thành phố Quy Nhơn) cho biết cau cảnh ra quả quanh năm, nhiều vị khách đến chơi nhìn thấy những cây cau cảnh đều tỏ ra rất thích thú.
Mọi người nghĩ rằng quả cau cảnh chỉ để trang trí cho đẹp mắt, khi chín trái rụng đầy sân rồi quét hốt bỏ đi, chắc hẳn ít ai biết rằng nó có thể chế biến thành mứt và ăn được. Giờ đây, mứt cau kiểng trở thành món đặc sản giá khá đắt đỏ, và không phải lúc nào cũng sẵn hàng.
Dạo một vòng quanh chợ mạng, gõ từ "mứt cau kiểng" sẽ ra rất nhiều địa chỉ bán loại đặc sản này, giá 1kg cau kiểng dao động từ 150.000-170.000 đồng. Ở phần bình luận, rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì không nghĩ loại quả này có thể làm thành mứt và ăn đươc. Vì tò mò và thấy lạ lẫm nên nhiều người đặt mua để ăn thử. Tuy nhiên, mặt hàng này không thường xuyên có, khách may mắn hỏi vào thời điểm có thì mua được ngay, còn nếu gặp thời điểm "cháy hàng" thì phải đặt trước vài ngày sau mới có.
Chị Trang Anh - một người bán các mặt hàng đặt sản trên chợ mạng ở TP.HCM cho biết mứt cau kiểng phụ thuộc nhiều vào thời tiết bởi phải phơi được dưới trời nắng to thì mứt mới đạt độ dẻo và khô ngon. Nếu gặp thời tiết ẩm ướt, có mưa, mứt phải đem đi sấy lò sẽ cứng, độ ngon dẻo không bằng.
"Tôi có họ hàng ở Bình Định chuyên làm mứt cau kiểng, một lần được ăn thử thấy vị lạ và ngon nên tôi mang lên Sài Gòn bán, không ngờ mọi người rất thích và đặt hàng ầm ầm. Thế nhưng, mứt cau kiểng làm kỳ công và không nhiều, nên lượng hàng lấy được hạn chế, có khi khách đặt phải hẹn cả tuần mới có hàng để trả", chị Trang Anh kể.
Trong khi đó, chị Hạnh - cũng là một người làm mứt cau cảnh để bán trên chợ mạng cho biết hồi đầu khi bán thử mặt hàng này, ai cũng tròn mắt hỏi vì không tin cau cảnh ăn được, rồi có người tò mò ăn mứt cau sẽ có vị thế nào. Sau khi mua ăn thử, nhiều người thấy thích thú, nó không hề bị chát mà vừa dẻo vừa bùi, chua chua ngọt ngọt.
Theo chị Hạnh, trái cau nếu quá già hạt sẽ cứng, không nhai nổi, nếu quá non sẽ bị mềm ăn không ngon, thế nên công đoạn đầu tiên là phải hái quả chín vừa, có thể sử dụng móng tay để bấm thử, nếu cứng quá thì loại ra luôn.
Sau khi chọn được những quả đạt tiêu chuẩn, công đoạn tiếp theo là dùng chày hay khúc gỗ đập mạnh lấy hạt cau ra ngoài. Để không còn có vị chát, hạt cau phải luộc lên chừng 3 lần rồi ngâm với nước muối và chanh, sau đó rửa sạch, cạo lớp vỏ lụa phía ngoài rồi mang chế biến. Một kg hạt cau sẽ ướp với khoảng 400 gr đường, thêm một ít màu gấc hoặc màu cam nấu xôi, ướp 3-4 tiếng để cau ngấm rồi cho lên bếp để sên. Khi sên chú ý cho lửa nhỏ đến khi chúng sền sệt thì lấy ra rồi phơi nắng là xong.
Bạn Mai Anh (ở Hà Nội) cho biết: "Lần đầu tiên tôi được ăn mứt cau kiểng khi đến nhà một người bạn chơi, thật sự rất bất ngờ vì không nghĩ quả cau chỉ để làm cảnh, thế mà có thể chế biến thành món mứt vừa bùi vừa dẻo và thơm ngon đến thế. Sau đó, tôi đã hỏi địa chỉ để đặt cho các chị em ở công ty ăn thử, ai cũng khen nức nở".