Người ta ví von ăn quả cà đắng như thưởng thức cà phê phin, lần đầu sẽ thấy rất đắng nhưng ăn lần 2 lần 3 lại nghiện.
Đến với Tây Nguyên, ngoài những vườn cà phê trải dài, du khách còn có cơ hội ăn thử những món ngon từ trái cà đắng. Lần đầu thưởng thức, nhiều người sẽ thấy không quen vì quả này có vị rất đắng, nhưng khi ăn lần 2, lần 3 sẽ thấy thích mê cái hương vị của nó.
Quả cà đắng mọc hoang dại ở Tây Nguyên, ở ven đường, tại những bãi đất trống, bất cứ nơi nào cây cà đắng cũng có thể mọc và phát triển, cho trái sum suê. Trước đây, thứ quả dại này ít ai biết đến, chỉ có người dân Tây Nguyên hái về làm thành các món ăn dân dã. Nhưng vài năm gần đây, cà đắng trở thành đặc sản mà bất cứ du khách nào đến vùng đất nắng gió Tây Nguyên cũng mong được thưởng thức.
Cây cà đắng mọc hoang dại, từ lâu bà con Tây Nguyên đã hái quả về chế biến thành các món ăn dân dã
Quả này kết tinh từ thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất này, tạo nên vị đắng rất riêng và rất đặc trưng. Quả cà đắng có kích thước to bằng đầu ngón tay, có màu xanh vân trắng, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn nên dễ dàng phân biệt với cây cà thường.
Cây cà đắng ra hoa kết trái từ tháng 3- 10 âm lịch, trái rộ nhất là từ tháng 5 trở đi. Trước kia, người Tây Nguyên thường chế biến món cà đắng giã muối hạt, ớt ở nhà vào lúc sáng sớm rồi mang lên rẫy chuẩn bị cho bữa cơm chiều tại rẫy, hoặc tích trữ sẵn cho những ngày đi đường rừng xa. Sự kết hợp giữa 3 vị cay, đắng và mặn không chỉ giúp món ăn trở nên đậm vị, kích thích vị giác, mà còn tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể săn chắc, dẻo dai.
Từ cà đắng có thể làm thành các món: cà đắng om ếch, cà đắng om lươn, cà đắng kho cá khô, cà đắng nấu da trâu, cà đắng nấu thịt nhím, cà đắng nấu tôm... Hiện trong các nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên, các món ngon từ trái cà đắng trở thành đặc sản đặc sắc với du khách đến đây.
Quả này có vị rất đắng, nhưng ăn lần 2, lần 3 sẽ mê hương vị của nó. Du khách đến đây đều tìm mua về làm quà cho bạn bè, người thân
Lần đầu được thưởng thức món cà đắng om ếch trong nhà hàng ở Đắk Lắk, Lan Hương (ở Tp.HCM) chia sẻ: "Trước khi ăn mình nghĩ nó chỉ nhẩn đắng, nhưng khi ăn thử mới biết nó đắng thật sự. Ăn quen lại thấy bùi, thơm, mùi lạ, và cảm nhận được vị ngọt nơi đầu lưỡi. Để phù hợp với thực khách, các nhà hàng thường ngâm cà trong nước muối rồi chần qua nước sôi để giảm bớt vị đắng và nấu đa dạng với cá tươi hoặc um với ếch, lươn, thịt dê, gà, bò…, thêm gia vị như ớt xanh, tỏi, lá é hay ngò gai".
Hiện, quả cà đắng được bán đi nhiều tỉnh thành. Trên chợ mạng cũng có một số địa chỉ rao bán quả cà đắng của Tây Nguyên với giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Ở Tây Nguyên, người đồng bào dân tộc còn cắt nhỏ trái cà, phơi khô để nấu món ăn trong mùa khô như cà đắng nấu xương đầu heo, nấm mèo, đậu đen... Du khách gần xa đến đây vào mùa cà đắng đều tìm mua để làm quà cho người thân, bạn bè.