Đường Lên Đỉnh Olympia là chương trình thi đấu kiến thức dành cho học sinh THPT nổi tiếng suốt hơn 20 năm qua. Song không ít lần, khán giả đã phát hiện lỗi sai kiến thức bên trong những câu hỏi.
Thêm 2 câu hỏi lịch sử sai đáp án trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22?
Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22 vừa khép lại vào ngày 2/10 vừa qua với chiến thắng thuyết phục thuộc về thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ - THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình). Sau khi chiếc vòng nguyệt quế tìm được chủ nhân, cư dân mạng đổ dồn sự chú ý vào sự việc Ban tổ chức Chương trình Đường lên đỉnh Olympia thông báo đính chính về sai sót trong việc không công nhận đáp án đúng của thí sinh Bùi Anh Đức ở một câu hỏi Tiếng Anh tại trận chung kết năm 2022.
Chủ nhân của chiếc vòng nguyệt quế thuộc về thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cụ thể, trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Nguyên Sơn (học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam), chương trình đã đưa ra câu hỏi Tiếng Anh từ nghệ sĩ Charlie Puth có nội dung như sau: Trong đoạn MV See You Again, nam ca sĩ đã dùng từ nào đồng nghĩa với từ "friendship" (nghĩa là "tình bạn"). Đoạn hát như sau:
Charlie Puth bất ngờ xuất hiện đặt câu hỏi cho thí sinh khiến khán giả vô cùng thích thú.
It's been a long day without you, my friend
And I'll tell you all about it when I see you again (I'll see you again)
We've come a long way (yeah, we came a long way)
From where we began (you know we started)
Oh, I'll tell you all about it when I see you again (I'll tell you)
When I see you again
First, you both go out your way and the vibe is feeling strong
And what's small turned to a friendship, a friendship turned to a bond
And that bond will never be broken, the love will never get lost
(The love will never get lost)
And when brotherhood come first, then the line will never be crossed
Established it on our own when that line had to be drawn
And that line is what we reached, so remember me when I'm gone
(Remember me when I'm gone)
Câu hỏi được chương trình đưa ra là:
“In this part of song, I have used a synonym for the word “friendship”.
Can you tell me which word it is?”
Ở câu hỏi này, thí sinh Vũ Nguyên Sơn đã không đưa ra câu trả lời. Sau đó, thí sinh Bùi Anh Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) đã giành quyền trả lời và đưa ra đáp án là "Bond" (Đáp án chương trình đưa ra khi đó là "Brotherhood"). Ngay tại thời điểm trực tiếp, chương trình đã không chấp nhận đáp án của Bùi Anh Đức và trừ thí sinh này 15 điểm.
Tuy nhiên sau khi chương trình kết thúc, ban tổ chức cho biết đã kiểm tra lại với cố vấn Tiếng Anh và cố vấn đã chấp nhận câu trả lời của Bùi Anh Đức là “Bond” vì "Bond" và "Brotherhood" đều có nghĩa là “tình anh em gắn kết”. "Câu trả lời của Bùi Anh Đức là hoàn toàn chính xác", thông báo đính chính của chương trình đã nhận định. Tuy nhiên sau đính chính này, số điểm chung cuộc của Bùi Anh Đức tăng lên thành 120 điểm nhưng không làm thay đổi thứ hạng các thí sinh trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22. "Xin chân thành cáo lỗi cùng quý vị khán giả và cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng trận Chung kết hôm nay!", ban tổ chức thông tin.
Dù Ban tổ chức chương trình đưa ra đính chính cùng lời xin lỗi, tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng sơ suất này làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, thậm chí hoàn toàn có thể thay đổi cục diện trận đấu khi thí sinh có được tâm lý hưng phấn khi có thêm điểm số ở thời điểm đó.
Đáng nói hơn, sau sự cố về đáp án câu hỏi tiếng Anh, lại có thêm hai câu hỏi liên quan đến lịch sử có "lấn cấn", nhiều khán giả theo dõi chương trình hoài nghi về độ chính xác thông tin đáp án.
Tại phần thi Về đích, thí sinh Anh Đức nhận được câu hỏi 30 điểm với nội dung: "Dân gian có những câu: "Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, "Ba vương" là ba vị vua nào?". Đáp án được chương trình đưa ra là Ba vương tập đế" chỉ vào việc trong vòng chưa đầy bốn tháng sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp ba vị vua thay nhau lên ngôi là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.
Câu hỏi về câu vè dân gian gây tranh cãi.
Tuy nhiên sau khi kết thúc chương trình, nhiều ý kiến cho rằng đáp án câu hỏi lịch sử này chưa chính xác, vua Hàm Nghi không thể nằm trong câu vè này. Theo sự kiện lịch sử, vì sau này đi kháng chiến Hàm Nghi bị đày ra hải đảo sau đó lấy vợ, đến năm 1944 mất. Sự kiện "tứ nguyệt tam vương" là từ 19-7 (ngày vua Tự Đức mất) đến 29-11-1883 (vua Kiến Phúc lên ngôi). Còn vua Hàm Nghi lên ngôi 2-8-1884 nên không liên quan đến câu vè "ba vương tập đế". Dù câu vè này có nhiều dị bản, tuy nhiêm đáp án chính xác nhất có thể là vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc (3 vua lên ngôi trong vòng 4 tháng). Nhiều ý kiến cũng cho rằng câu vè này không phù hợp để mang vào cuộc thi đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối như Đường Lên Đỉnh Olympia trận chung kết.
Cũng trong phần thi Về đích, với câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?" của thí sinh Đình Tùng, thí sinh này đã trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ", sau đó MC đã xin ý kiến ban cố vấn, PGS sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".
Tuy nhiên sau chương trình nhiều khán giả cũng đã phát hiện đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau. Vì cách đọc "Đại Nam nhất thống toàn đồ" là cách đọc của chữ Hán, phải đọc đúng theo trình tự chữ Hán.
Câu hỏi về bản đồ cũng gây tranh cãi.
Không ít lần chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia gây tranh cãi vì lỗi kiến thức
Cuộc thi tuần 2 - tháng 3 - quý IV Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 21
Trong hơn 20 năm qua, Đường Lên Đỉnh Olympia không ít lần mắc các lỗi sai kiến thức bên trong những câu hỏi. Điển hình như cuộc thi tuần 2 - tháng 3 - quý IV Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 21 xuất hiện câu hỏi: "Nước chứa hàm lượng cao của hai ion kim loại nào thì được gọi là nước cứng?". Nam sinh Đức Đăng (THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) đưa ra đáp án: "Kali và Magie" và được tính 10 điểm. Tuy nhiên, đáp án chính xác nhất phải là: "Canxi và Magie".
Sau đó, BTC Olympia lại lý giải rằng: Trong quãng thời gian 60 giây thi đấu, toàn bộ ekip chương trình cũng như 4 thí sinh không phát hiện lỗi sai này, không thắc mắc về vấn đề trên. Trước khi ghi hình, 4 thí sinh đều đã đồng ý và ký tên vào bản cam kết trong đó có nội dung: "Khiếu nại của tôi chỉ được ban tổ chức xem xét trong thời gian diễn ra phần thi đó tại thời điểm ghi hình. Ngoài thời gian này, khiếu nại của tôi không còn giá trị và chương trình không thay đổi kết quả chung cuộc".
Kết quả này càng gây phẫn nộ khi nhờ 10 điểm câu hỏi này, Đức Đăng chính thức trở thành thí sinh có số điểm Nhì cao nhất Tháng với 290 điểm, có cơ hội thi vòng Tháng. Trong khi đó, thí sinh có số điểm Nhì cao nhất tháng vừa qua thuộc về Phạm Bùi Hải Đăng (THPT Gia Viễn A, Ninh Bình) với 280 điểm.
Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 12
Trong trận chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 12 xuất hiện câu hỏi: "3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời” có các lựa chọn từ A-F tương ứng 4-9.
Quán quân Đặng Thái Hoàng đã đưa ra đáp án C, tương ứng với "đáp án 6". Song khán giả phân tích rằng BTC đã đưa sai câu trả lời, bởi đáp án chính xác nhất phải là: 5 + 2/3 (5,666...) - chứ không phải 6. Ghi được điểm tại câu hỏi này giúp Thái Hoàng nhận được chức Quán quân và học bổng du học Úc, người đạt được phải là Á quân Thân Ngọc Tĩnh. Tuy nhiên sau cùng, BTC Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn quyết định giữ nguyên kết quả thi năm đó.
Cuộc thi tuần cuối cùng của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 20
Hay trong cuộc thi tuần cuối cùng của năm 2020, xuất hiện câu hỏi trong phần thi Về đích: "Con lai giữa con lừa và con ngựa là con la. Hỏi con của con la gọi là gì?". Thí sinh Hồng Lam đã đưa ra câu trả lời: "Con la" nhưng bị BTC Olympia gạt bỏ, với lời giải thích: "Con la không có khả năng sinh con". Tuy nhiên, trên thế giới vẫn ghi nhận có đến 60 con la mẹ vẫn sinh con trong đó gần nhất là trường hợp ở Maroc và Trung Quốc. Vậy nên đáp án của Hồng Lam có lẽ vẫn được tính điểm.
Câu hỏi về con la của thí sinh Hồng Lam.
Cuộc thi quý IV Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 20
Trong cuộc thi quý IV năm 2020, trong phần thi Về đích của thí sinh Dũng Trí xuất hiện câu hỏi: "Kỳ họp Quốc hội khóa VI ngày 2/7/1976 đưa ra bốn quyết định quan trọng: Đổi tên nước thành CHXHCN Việt Nam; Thủ đô là Hà Nội; Quyết định quốc huy, quốc kỳ, quốc ca và quyết định nào nữa?". Thí sinh Dũng Trí đã trả lời: "Đổi tên Sài Gòn thành TP.HCM", qua đó giành được 60 điểm do lựa chọn câu hỏi có ngôi sao hy vọng. Tuy nhiên, khán giả cho rằng đáp án chính xác phải là đầy đủ như sách giáo khoa là "thành phố Sài Gòn - Gia Định đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh".
Câu hỏi gây tranh cãi của Dũng Trí.