Bàn cầu cơ hoạt động do chính người chơi, dù họ có phủ định như thế nào đi nữa.
Trong những năm gần đây, bàn cầu cơ lại nổi tiếng một phần là do bất ổn kinh tế và chiếc bảng trở nên hữu dụng khi mở đầu cho các bộ phim. Nó xuất hiện trong 2 phần phim Hiện tượng siêu nhiên, rồi nhiều tập phim trong các phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ như Breaking Bad, Castle, Rizzoli & Isles và nhiều chương trình thực tế liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên. Ở trung tâm mua sắm thì bán những bộ quần áo nội y in hình bàn cầu cơ, và thậm chí có cả một ứng dụng điện thoại bàn cầu cơ .
Năm 2013, Hasbro cho ra mắt một phiên bản “kỳ bí hơn” để thay thế phiên bản cũ bị gắn với thế giới đen tối quá nhiều. Sau đó, ông cũng đã bán bản quyền sản xuất phiên bản cũ cho công ty khác. Năm 2012, có thông tin rằng hãng phim Universal sẽ sản xuất một bộ phim liên quan đến bàn cầu cơ, nhưng phía Hasbro thì không hề lên tiếng xác định.
Cơ chế hoạt động của chiếc bàn "biết nói"
Người ta vẫn luôn tự hỏi bàn cầu cơ hoạt động như nào?
Theo như các nhà khoa học thì bàn cầu cơ chẳng bị linh hồn hay ác quỷ nào điều khiển cả. Khả năng cao là nó hoạt động do chính người chơi, dù họ có phủ định như thế nào đi nữa.
Theo một nghiên cứu về trí não con người hơn 160 năm thì bàn cầu cơ hoạt động theo quy tắc ảnh hưởng của ý niệm.
Năm 1852, nhà vật lí học và sinh lí học William Benjamin Carpenter đã công bố nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh rằng có những chuyển động do cơ thể tác động mà cá nhân người đó không hề biết hay muốn làm (ví dụ như việc bạn khóc khi xem một bộ phim buồn).
Gần như ngay lập tức, các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra ảnh hưởng của ý niệm trong những hiện tượng siêu nhiên nổi tiếng trước đây.
Năm 1853, nhà hóa học, vật lí học Michael Faraday đã bị hấp dẫn bởi những chiếc bàn tự quay, và thực hiện một loạt thí nghiệm chứng minh rằng chuyển động của chiếc bàn là do ảnh hưởng của ý niệm của người tham gia.
Ảnh hưởng của ý niệm ngày càng được công nhận. Theo giáo sư Chris French, giáo sư tâm lí học và tâm lí học di thường tại viện Goldsmiths thuộc Đại học Luân Đôn, giải thích: “Nó khiến người ta tin rằng những chuyển động đó do thế lực bên ngoài tác động nhưng thực tế thì không phải.”
Những thiết bị khác như que dò, hay gần đây nhất là bộ dò bom giả được nhiều chính phủ quốc tế và cơ sở quân đội ưa chuộng, đều hoạt động theo những phản xạ tự nhiên này. Ông nói: “Cơ chế hoạt động của những thứ như que dò, bàn cầu cơ, quả lắc, những chiếc bàn nhỏ, đều bị ảnh hưởng lớn dù lực tác dụng vào rất nhỏ.”
Những chiếc mũi tên chỉ đường trên bàn cầu cơ đều được sản xuất rất hợp với cái bảng. Trước đây là một miếng gỗ mỏng với bánh xe, còn ngày nay là nhựa với những chiếc chân nhỏ để di chuyển thoải mái trên chiếc bảng.
Khi dùng bàn cầu cơ, không chỉ một cá nhân không nhận ra chuyển động do mình tác động mà cả nhóm đều không nhận ra, và như thế dường như mũi tên chuyển động là do tác động bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, chính người tham gia cũng mong chiếc bảng thần kỳ hay bí ẩn như thế.
Niềm tin của con người với bàn cầu cơ
Nhưng nếu như bàn cầu cơ không đem đến những câu trả lời của bề trên, thì đó là gì?
Các nhà nghiên cứu ở Phòng nghiên cứu nhận thức bằng mắt thuộc trường Đại học British Columbia cho biết chiếc bảng có thể là thí nghiệm chỉ ra cách thức trí não con người xử lí thông tin các mức độ khác nhau.
Ý tưởng rằng trí não xử lí thông tin ở các mức độ khác nhau không hề mới, mà thậm chí cách chia các mức độ vẫn còn gây tranh cãi: Tỉnh táo, không tỉnh táo, tiềm thức, có trước trong ý thức, trí não của xác sống là những mức độ vẫn được chia cho đến hiện tại và dĩ nhiên có người ủng hộ và người phản đối. Nói một cách đơn giản thì chúng ta sẽ xét hai mức là tỉnh táo – khi mà bạn biết bạn đang làm gì và không tỉnh táo – những suy nghĩ tự nhiên.
Hai năm trước, giáo sư tâm lí học và khoa học máy tính, Ron Rensink cùng Hélène Gauchou, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm lí học và Sidney Fels, giáo sư ngành điện tử máy tính, cùng nghiên cứu xem chuyện gì xảy ra khi mọi người cùng ngồi chơi bàn cầu cơ.
Fels cho biết ý kiến đó nảy ra sau khi anh tổ chức một bữa tiệc Halloween với chủ đề bói toán và anh phải giải thích cho vài sinh viên cách hoạt động của bàn cầu cơ.
Fels vừa cười vừa nói: “Họ cứ hỏi tôi là phải bỏ pin vào đâu.”
Sau khi giải thích cho sinh viên một cách kì bí theo không khí Halloween không nhắc đến Ảnh hưởng của ý niệm, anh để cho sinh viên tự mình dùng chiếc bảng. Vài giờ sau, anh trở lại, thấy họ vẫn ngồi đó và hoảng sợ.
Vài ngày sau, Fels kể rằng anh cùng Rensink cùng vài người nữa bắt đầu bàn luận về bàn cầu cơ. Họ đều nghĩ rằng chiếc bảng có thể là thí nghiệm đặc biệt để kiểm tra những kiến thức về tiềm thức, và để xem có đúng là những hành động do ý niệm là do tiềm thức quyết định không.
Rensink nói: “Đó là một trong những thí nghiệm chúng tôi nghĩ sẽ không được gì mà sau đó lại hoạt động một cách hoàn hảo.”